Tiến tới EURO 2012 - Tử thần vẫy gọi

Giới chuyên môn nhất trí gọi bảng B là bảng tử thần khi nó hội tụ 2 ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch lần này (Hà Lan và Đức), cùng 2 đội bóng cứng cựa (Đan Mạch và Bồ Đào Nha). Nhưng bảng B có thể sẽ không căng thẳng và quyết liệt như mong đợi, nếu “tử thần” sớm vẫy gọi cả Đan Mạch lẫn Bồ Đào Nha…

Giới chuyên môn nhất trí gọi bảng B là bảng tử thần khi nó hội tụ 2 ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch lần này (Hà Lan và Đức), cùng 2 đội bóng cứng cựa (Đan Mạch và Bồ Đào Nha). Nhưng bảng B có thể sẽ không căng thẳng và quyết liệt như mong đợi, nếu “tử thần” sớm vẫy gọi cả Đan Mạch lẫn Bồ Đào Nha…

Câu chuyện mà báo chí Hà Lan gọi là “tử thần vẫy gọi” này từng diễn ra ở EURO 2000. Khi ấy, nằm chung bảng với đồng chủ nhà Hà Lan  là nhà VĐTG Pháp, cùng 2 chú ngựa ô là CH Séc (á quân EURO 96) và Đan Mạch (vô địch EURO 92). Rõ ràng là trong một bảng như thế này, mọi thứ đều có thể xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra theo cách đơn giản nhất: lượt đầu Pháp hạ Đan Mạch 3-0, còn Hà Lan thắng Séc 1-0; lượt 2 Pháp hạ Séc 2-1, còn Hà Lan quật ngã Đan Mạch 3-0, khiến lượt cuối chỉ còn là thủ tục…

Liệu lần này cuộc chơi có thể diễn ra theo cách tương tự khi Đức và Hà Lan tỏ ra quá mạnh so với Đan Mạch và Bồ Đào Nha?

Mesut Oezil (phải, Đức) đi bóng trong trận giao hữu thua Hà Lan 0-3 ngày 15-11 năm ngoái

Mesut Oezil (phải, Đức) đi bóng trong trận giao hữu thua Hà Lan 0-3 ngày 15-11 năm ngoái

Tìm đường vào chung kết

Cho đến giờ, mục tiêu của Đức và Hà Lan không phải là vào tứ kết hay bán kết mà là giành ngôi vô địch. Chính vì thế họ không nhắm đến đối thủ gần mà phải tính đến sẽ gặp ai ở bán kết. Hà Lan có thói quen chơi bốc ngay từ đầu giải, trong lúc Đức vẫn thường “thậm thụt” đến giờ chót mới ra chiêu. Nhưng dù muốn hay không, họ vẫn phải đập tan sức đề kháng của đối thủ đầu tiên, sau đó, khi đã có vốn rồi mới tính chuyện nên giành ngôi đầu bảng hay lui về đứng thứ 2.

Đức đã gặp Bồ Đào Nha 16 lần và tỏ ra lấn lướt khi thắng 8 và chỉ thua 3 lần. Thời điểm này, Đức là đội quân mạnh mẽ và giàu sức chiến đấu trong lúc Bồ vẫn còn nhiều rối rắm trong tấn công lẫn phòng thủ, nên khả năng thắng trận ra quân của Đức là rất lớn.

Tương tự như vậy, Đan Mạch tỏ ra lép vế trước Hà Lan trong 29 lần đụng độ khi chỉ thắng 7 trận và thua đến 12 lần. Lần gặp gần nhất là ở World Cup 2010 khi Hà Lan thắng dễ 2-0 ở Nam Phi. Vì thế, mong chờ một trận hòa cho Đan Mạch là điều rất khó.

Đức và Hà Lan sẽ gặp nhau ở lượt trận thứ 2 bảng này, nhưng đấy không phải lúc họ tung sức nên một kết quả hòa sẽ rộng đường cho họ chọn lựa nhánh vào bán kết của mình…

Cuộc phiêu lưu bắt đầu

Hà Lan có một ngày nghỉ xả hơi trước khi bay sang Krakow vào trưa thứ Hai. Họ đã hoàn tất 3 trận tập huấn của mình: sau khi thua Bulgaria 1-2, họ thắng Slovakia 2-0 và lên tinh thần sau khi đè bẹp Bắc Ailen 6-0 ở Amsterdam ArenA, trong trận đấu mà báo chí Hà Lan gọi là “lễ tiễn đưa”.

Khác với Hà Lan, Đức không đến Ucraina mà bay sang Ba Lan, đóng quân trong một khách sạn tuyệt đẹp ở ngoại ô Gdansk và sẽ bay sang Kharkiv hoặc Lviv khi có trận đấu. Họ đến Gdansk lúc 3 giờ chiều và nhận phòng xong là ra sân tập Lechia Gdansk lúc 6 giờ, nơi có 11.000 khán giả địa phương chờ xem buổi tập đầu tiên của họ. Một trong những điều gây chú ý nhất, theo gần 300 phóng viên bám theo tuyển Đức, chính là sự trở lại tập luyện đầy đủ sau chấn thương của  Bastian Schweinsteiger. Đức chỉ có chút vướng bận là chấn thương nhẹ của thủ thành dự bị Tim Wiese sau pha va chạm với Lukas Podolski. Cùng với Miroslav Klose, Podolski nhận được sự chào đón nồng ấm từ những người đồng hương Ba Lan. Podolski thực sự bận rộn trong ngày sinh nhật thứ 27 của mình hôm qua. Anh được khán giả hát tặng một bài đặc biệt, sau đó anh phải trả lời phỏng vấn của truyền hình chỉ bằng tiếng Ba Lan mà thôi.

Sao chẳng cầu thủ Đức nào đoái hoài đến trận mở màn với Bồ Đào Nha vào ngày 11-6 nhỉ?

TIẾN TRUNG


Lược nhìn lần chót bảng B: Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch: Một mình chống lại tử thần...

* “Không hề yêu cầu Ronaldo giải quyết mọi vấn đề của đội tuyển”

Chiến dịch vòng loại có chông gai và sóng gió đến mấy thì cũng vẫn nhẹ hơn hẳn những gì đang chờ Bồ Đào Nha ở Ucraina: một bảng tử thần bao gồm những đối thủ như Đức, Hà Lan và Đan Mạch. Đây là bảng đấu kinh hoàng nhất mà EURO từng có kể từ khi FIFA bắt đầu xếp hạng các đội tuyển. Trong đó đội Đức đang hạng 2 thế giới, Hà Lan hạng 3, Bồ Đào Nha hạng 5 và Đan Mạch hạng 10.

Một mình Cristiano Ronaldo thì không thể chống lại một bảng đấu như thế này được - HLV Paulo Bento thừa nhận như vậy trong cuộc phỏng vấn trên báo Guardian.

HLV Paulo Bento theo dõi các học trò trên sân tập

HLV Paulo Bento theo dõi các học trò trên sân tập

° Mục tiêu đầu tiên của Bồ Đào Nha là vào tứ kết. Đó là mối quan tâm duy nhất hiện nay, hay Bồ Đào Nha còn tính xa hơn?

- Paulo Bento: Chúng tôi đặt ra mục tiêu đầu tiên như vậy bởi mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bám sát mục tiêu đó, chúng tôi sẽ toàn tâm toàn ý vào các trận ở vòng đấu bảng, bất kể những khó khăn không tránh khỏi trước những đối thủ mạnh như vậy. Nếu qua được vòng đấu bảng, chúng tôi sẽ chuyển sang mục tiêu khác.

° Giải vô địch Bồ Đào Nha cung cấp quá ít tuyển thủ, nên đa số đội tuyển là những cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài. Điều đó có làm ông lo ngại?

- Đó là một thực tế vẫn đang tồn tại, tất nhiên là một thực tế khác hẳn các đội Đức, Tây Ban Nha, Italia, Anh hay Pháp. Nó làm thay đổi cái cách chúng tôi theo dõi các tuyển thủ của mình cũng như cách chọn cầu thủ vào đội tuyển. Tuy nhiên, chúng tôi phải thích nghi.

° Cristiano Ronaldo, Pepe và Fabio Coentrao đều là những nhà vô địch ở Tây Ban Nha. Dựa trên vai trò quan trọng của họ trong đội tuyển, liệu danh hiệu vô địch của họ có làm ông hài lòng? Ông có nghĩ là với những gì đã đạt được thì Ronaldo sẽ gặp nhiều áp lực hơn?

- Thật đáng mừng khi hầu như mọi tuyển thủ Bồ Đào Nha thi đấu ở nước ngoài đều đạt được mục tiêu riêng của mình ở CLB. Ronaldo sẽ chẳng bị thêm áp lực nào. Ngược lại là đằng khác. Chúng tôi không hề yêu cầu Ronaldo giải quyết mọi vấn đề của đội tuyển. Cả tập thể cùng giải quyết. Tập thể càng mạnh, các cá nhân càng có điều kiện thuận lợi để tỏa sáng.

° Gần đây, ông có đề cập tầm quan trọng của trận đầu tiên, nhất là khi đội Đức đang nằm trong số ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch. Ông chờ đợi điều gì từ trận đấu này?

- Một trận đấu đầy khó khăn trước một đối thủ có rất ít điểm yếu. Tôi đánh giá điểm mạnh nhất trong số những điểm mạnh của Đức là sự chuyển đổi từ thế trận phòng thủ sang tấn công.

° Trận thứ nhì là gặp Đan Mạch. Về tâm lý mà nói, gặp lại một đối thủ cùng bảng ở vòng loại và lại còn đứng nhất bảng vòng loại ấy, điều đó ảnh hưởng ra sao? Ông phân tích thế nào về đội Đan Mạch?

- Theo tôi, vòng loại chẳng liên quan đến vòng chung kết. Hai chiến dịch này khác nhau. Chúng tôi biết Đan Mạch là một đội hình mạnh và rất ổn định - ổn định từ HLV trưởng cho đến tập thể thi đấu. Họ đã gây ra nhiều khó khăn cho chúng tôi ở những kỳ vòng loại gần đây. Trong 4 lần gặp Đan Mạch gần nhất ở các giải đấu chính thức, chúng tôi chỉ thắng được 1.

° Thử thách cuối cùng ở bảng B là Hà Lan. Vào lúc này, mối nguy hiểm lớn nhất từ phía Hà Lan là gì?

- Họ có một đội hình đầy chất lượng trên khía cạnh cá nhân lẫn tập thể. Họ đã vào chung kết World Cup 2010 và vẫn giữ bộ khung thi đấu ấy cho đến nay. Trong vòng loại, họ chỉ thua lượt trận cuối, thua khi đã chính thức giành vé EURO. Họ đã bình ổn lối chơi từ lâu rồi, một lối chơi dựa vào trình độ cầm bóng chắc và khả năng di chuyển biến hóa của các cầu thủ ngôi sao. 

Phương Lan lược dịch

Lịch thi đấu                      

  Thời gian                          Trận đấu                                                 Sân


9-6, 23 giờ 00              HÀ LAN - ĐAN MẠCH                           Metalist (Kharkiv)
10-6, 1 giờ 45              ĐỨC - BỒ ĐÀO NHA                            Arena Lviv (Lviv)
13-6, 23 giờ 00            ĐAN MẠCH - BỒ ĐÀO NHA                   Arena Lviv (Lviv)
14-6, 1 giờ 45              HÀ LAN - ĐỨC                                     Metalist (Kharkiv)
18-6, 1 giờ 45              ĐAN MẠCH  - ĐỨC                               Arena Lviv (Lviv)
18-6, 1 giờ 45              BỒ ĐÀO NHA  - HÀ LAN                        Metalist (Kharkiv)


Tử thần gọi tên ai?

Luận về danh tiếng và thực lực hiện tại, Đức và Hà Lan rõ ràng nằm ở chiếu trên. Có nghĩa là cái chất “tử thần” của bảng tử thần này chỉ dành cho Bồ Đào Nha và Đan Mạch vậy. Câu hỏi đặt ra ở đây: Giữa Bồ Đào Nha và Đan Mạch, ai có “đủ cơ” hơn để thách thức quyền lực Đức - Hà Lan?

Câu trả lời của giới quan sát quốc tế: Họ chọn Đan Mạch. Vì khi thắng Australia 2-0 hôm thứ Bảy tuần qua, đội hình Đan Mạch đã toát lên nhiều nét mới, đầy tích cực. Pha phối hợp giữa hậu vệ Daniel Agger, tiền đạo Bendtner và tiền vệ Christian Eriksen ở bàn thắng đầu tiên đã phản ánh rõ rệt tinh thần tấn công, chất lượng tấn công và hiệu quả tấn công ở đội bóng này.

Các trận giao hữu chuẩn bị của Bồ Đào Nha không tốt

Các trận giao hữu chuẩn bị của Bồ Đào Nha không tốt

Giữa một đội hình giàu sức chiến đấu, vị trí nổi bật nhất là Eriksen. Dù đang bị một chấn thương nhẹ, cầu thủ này vẫn cho thấy khả năng tạo ra một dấu ấn lớn ở EURO 2012. Theo đó, nếu tránh được thất bại ở trận ra quân với Hà Lan vào đêm thứ Bảy này, nhạc trưởng Eriksen có thể giúp Đan Mạch tiến xa hơn 3 trận vòng bảng. Xa đến đâu chưa rõ, nhưng tiến xa.

Còn Bồ Đào Nha? Trận thua Thổ Nhĩ Kỳ 1-3 ngay trên sân nhà hôm 2-6 một lần nữa phơi bày điểm yếu mà giới quan sát đã lưu ý từ lâu. Đó là một hàng tiền vệ nhẹ ký, không có ai làm nhạc trưởng điều phối tấn công. Đó còn là một hàng hậu vệ dễ tổn thương đến độ không còn đáng tin cậy. Và đó là chưa nói đến chuyện Bồ Đào Nha trong năm 2012 này chưa thắng được một lần nào và mới chỉ ghi đúng 1 bàn qua 3 trận giao hữu gần đây.

Cái cảnh ngôi sao số 1 Ronaldo đá hỏng quả 11m và trung vệ số 1 Pepe ghi 1 bàn phản lưới nhà không khỏi làm cho người hâm mộ lo sợ rằng Bồ Đào Nha sẽ là nạn nhân đầu tiên trong bảng tử thần của EURO 2012.

Tiến Minh

Trận cầu quan trọng nhất: Đan Mạch - Bồ Đào Nha

Có thể bạn không đồng ý điều này khi quả quyết là trận Đức - Hà Lan mới thực sự quan trọng. Nhưng cuộc chiến giữa 2 ứng viên vô địch ở vòng bảng thường là những toan tính chiến lược. Họ tin là có thể gặp lại nhau ở trận chung kết nên sẽ không tung sức mà tìm cách kềm giữ thế trận là chính. Vì thế, hỏi 10 chuyên gia thì đến 9 người đoán kết quả hòa. Đôi bên cần hòa để tính đường né Tây Ban Nha ở bán kết chứ!

Cũng vì thế trận Đan Mạch - Bồ Đào Nha mới thực sự mang đến hồi kết hấp dẫn cho bảng. Nếu cả 2 đều thua trận ra quân, thì một kết quả hòa xem như kéo nhau cùng “chết”. Ngược lại, đội thắng có thể tranh vé tứ kết trận cuối, còn đội thua xem như bị loại. Trong cuộc chơi này, Đan Mạch được “nhà cái” đánh giá thấp hơn bởi lịch sử đối đầu kém cỏi (thắng 3, thua 7 trong 12 lần đụng độ), song chính họ mới là đội có thể gây bất ngờ, với lối chơi thực dụng và những lá bài còn đang giấu kín.

THANH NHƯ


Ngôi sao của bảng: Robin Van Persie

Lần cuối cùng Bắc Ailen để lọt lưới hơn 6 bàn cách biệt là năm 1949 khi họ thua Anh 2-9. Chính vì thế, tiền đạo Robin Van Persie tỏ ra hài lòng khi góp công trong chiến thắng 6-0 của Hà Lan: “Đây là một kết thúc tốt sau nhiều tuần chuẩn bị. Chúng tôi thực sự phấn khích khi chơi một trận cầu hay, với những pha phối hợp gắn bó và ghi những bàn thắng đẹp”.

Van Persie đã ghi bàn thắng thứ 28 sau 65 lần khoác áo Hà Lan, nhưng không giấu chút băn khoăn: “điều duy nhất đáng kể là trận ra quân ở EURO với Đan Mạch. Chúng tôi phải thực sự chứng tỏ là mình đã sẵn sàng với nó. Chúng tôi lẽ ra không nên quá nghiêm túc trước Bắc Ailen”.

Robin Van Persie

Robin Van Persie

Với truyền thống đá bốc ngay từ đầu giải, Hà Lan có thể sẽ ghi nhiều bàn và người hưởng lợi tất nhiên sẽ là tiền đạo sung sức Van Persie. Cao 1m86, 28 tuổi, rê bóng tốt và ghi bàn không ngớt với cái chân trái siêu phàm, Vua phá lưới Premier League hoàn toàn có thể thống trị bảng tỷ số EURO.

QUANG TRẦN

Tin cùng chuyên mục