Cách đây hơn 10 năm, lứa cầu thủ nằm trong thế hệ “mục tiêu vàng” của chương trình đào tạo quốc gia tại Trung tâm HLQG 2 buộc phải giải tán vì tiền đổ vào nhiều nhưng không hiệu quả.
Mới đây, Ủy ban TDTT lại ra quyết định xóa sổ lứa U-17 trong chương trình đào tạo quốc gia lại cũng vì hàng kém chất lượng và không thể thu hoạch sau 7 năm uổng phí và đầu tư sai định hướng.

Sự kiện “mục tiêu vàng” hơn 10 năm trước buộc phải giải tán ở Trung tâm HLQG 2 tưởng đã là một bài học đáng giá nghìn vàng cho ngành thể thao, thế mà…
Lứa cầu thủ ấy được hình thành từ cuộc tuyển chọn trên khắp các địa phương với định hướng 7-8 năm sau thì đây sẽ là lứa cầu thủ tài năng.
Đầu vào trong cuộc tuyển chọn toàn khu vực phía Nam khi ấy làm thật chiếu lệ với một ban bệ từ Ủy ban vào và đến địa phương nào thì tuyển chọn cầu thủ năng khiếu trong lứa tuổi của địa phương ấy.
Nó y hệt như những buổi kiểm tra năng khiếu thông thương và con người thì đa số là gửi gấm do quen biết với cái mác “mục tiêu vàng” với đủ mọi quyền lợi đính kèm…
Và lứa cầu thủ được thành lập vội vã ấy được giao cho những ông thầy giỏi như Nguyễn Văn Vinh, Lê Đình Chính, Hồ Thu… với tiền của đổ vào rất lớn, chế độ cực cao nhưng thực chất thì đến với các cầu thủ lại chẳng bao nhiêu.
Một số phụ huynh sau đó đã thất vọng với “mục tiêu vàng” và ngán ngẩm rút con mình khỏi chương trình đào tạo quốc gia nhưng bị làm lệch hướng để gửi cho các CLB.
Có sinh nhưng không có dưỡng và chính các ông thầy khi nhận đội cũng hăm hở và cuối cùng thì vỡ lẽ ra rằng người ta lập ra lứa cầu thủ này thì rất đúng nhưng cách làm lại hết sức bậy. Thế là cha chung chẳng ai khóc.
Nhiều phụ huynh than phiền gõ cửa ra tận Ủy ban TDTT về cách làm không giống ai và kiểu “đem con bỏ chợ”. Cuối cùng thì sau thời gian nuôi và đầu tư thật tốn kém với kinh phí rất cao, lứa cầu thủ ấy được giải tán với một giải pháp cũng không giống ai là “nhượng” cho Trung tâm TDTT CA TP.HCM với cái giá tượng trưng 600 triệu đồng cho cả lứa “mục tiêu vàng”.
Lứa cầu thủ ấy đến nay chỉ có hai cái tên nằm trong bộ nhớ là Hoàng Vương và Thái Dương (trôi nổi sang Ngân hàng Đông Á rồi Bình Dương…) và hết.
Nhắc đến lứa cầu thủ ấy đến giờ, nhiều phụ huynh vẫn than thở như mình bị lừa vì tưởng cái đầu vào nổi đình nổi đám ấy sẽ cho ra một lứa cầu thủ tương lai nên chấp nhận gửi con cái theo học và cuối cùng thì vỡ lẽ “tiền mất tật mang”.
Cách đây 7 năm, sốt ruột vì khủng hoảng tuyến kế thừa, Ủy ban TDTT lại “bổn cũ soạn lại” khi quyết định tự tay đào tạo lứa bóng đá trẻ U-17 với một kế hoạch rất kêu nhằm tìm nhân tài cho bóng đá Việt Nam.
Ba lớp bóng đá trẻ lứa U-17 đầu tiên được ra đời, quân số khoảng 100 cầu thủ trẻ với kinh phí được rót hằng năm là 22 triệu đồng cho mỗi em.
Và cũng hệt như lần trước, lứa cầu thủ này do không có kế hoạch đào tạo bài bản, quản lý kém, dẫn đến thoái hóa và sai định hướng.
Lại một lần nữa, tiền của Nhà nước đổ vào rất lớn cho việc đào tạo bóng đá trẻ đã bị uổng phí khi đầu ra cho các cầu thủ trẻ ấy là con số 0. Đấy là chưa kể ngay từ đầu, khâu tuyển chọn đã không tìm được những cầu thủ trẻ tinh hoa mà lại là nơi “ươm mầm” cho những cầu thủ trẻ thải ra từ các CLB hoặc các trường năng khiếu.
Đáng tiếc là trong quá trình thực hiện, những nhà tổ chức biết rất rõ thế mà lại vẫn ép để có được một “chương trình mục tiêu”. Điều ấy hơn ai hết là những nhà quản lý CLB biết rất rõ và ngay từ đầu đã không ủng hộ việc tuyển chọn lẫn kế hoạch nuôi quân tìm nhân tài mà tách ra khỏi bộ khung CLB.
Đồng tiền của Nhà nước đổ vào cho bóng đá trẻ vẫn tiếp tục bị sử dụng hoang phí và không đúng mục đích. Thậm chí nó cũng không được kiểm tra cho đến khi vỡ ra rằng tất cả đã đổ sông đổ biển, còn cầu thủ trẻ thì “chột” trong môi trường thiếu thốn nhiều thứ.
Các cầu thủ trẻ ngoài giờ học văn hóa, đi tập chỉ còn biết chơi chơi game hoặc các môn thể thao khác để giết thời gian. Họ chẳng có một giải đấu trong nước hay quốc tế nào và cũng chẳng có cái gì gọi là kiểm chứng tài năng trong cái “chương trình mục tiêu”.
Năm 2005, lớp phía Nam đã không thể tồn tại và đến nay thì lứa U-17 phía Bắc cũng thoái hóa. Nghe nói đã có sự liên hệ với các CLB nhưng nhiều CLB cũng từ chối vì sản phẩm quá kém.
Ai bảo bóng đá Việt Nam nghèo khi những chương trình mục tiêu hàng chục tỷ đồng cứ bị lãng phí bởi sinh hời hợt và dưỡng thì lạnh lùng?
NGUYỄN NGUYÊN