Tiền và Tiên

Trong số 12 đội tham dự V-League, đội nào tiêu tiền nhiều nhất? Nếu các đội bóng doanh nghiệp phải dè xẻn cho những con tính như kiểu làm kinh tế của chính mình thì các đội “xác” Sở TDTT, “hồn” đơn vị kinh tế cũng không có quyền lạm phát. Duy nhất chỉ có Đà Nẵng là đội không bán một nửa thương hiệu của mình để tồn tại dù họ vẫn là đội bóng của Sở.

Tiền và Tiên ảnh 1

Lãnh đạo đội Đà Nẵng đã không tiếc công, tiếc của đưa Lê Huỳnh Đức từ NHĐA về Đà Nẵng mùa giải trước. Ảnh: Hoàng Hùng.

Nếu hỏi đội nào mạnh chi nhất thì tất cả đều chỉ vào Đà Nẵng. Cái  vùng trũng “săn” cầu thủ mà trước đây người ta cứ nghĩ rằng chỉ có bầu Đức mới chi nhanh thì bây giờ, nó đã thuộc về Đà Nẵng.

Chỉ một phi vụ Huỳnh Đức, Đà Nẵng đã nổi tiếng là phá giá. Chưa kể đến những cuộc săn hàng độc như “bắt” Hồng Minh từ Thanh Hóa về với thời gian kỷ lục và mục bồi thường cũng cao ngất, rồi hai cuộc mua vua phá lưới của hai mùa khác nhau, Đà Nẵng bây giờ là một đội bóng toàn sao.

Cái khó cho người làm công tác huấn luyện ở Đà Nẵng là ông ta không mua sao và cũng không định giá được cho sao nhưng vẫn phải buộc các sao chạy và thi đấu xứng với cái giá của sao.

Đà Nẵng là một đội có tiền và đang muốn mua “tiên” cho dù đến khi họ muốn siết lại để vô địch khi thấy thời cơ đến thì mọi thứ xem như đã chậm một nước cờ.
Bây giờ, họ mới thấy tiếc cho những trận đấu mà mình phung phí như trận hòa LG.Hà Nội.ACB trong thế không thể hòa.

Hoặc đến khi thắng Bình Dương 5 bàn rồi Đà Nẵng mới biết đau cho trận hòa Sông Lam trên sân nhà mà mình hoàn toàn có thể thắng.

Những cái mất ấy Đà Nẵng không mua lại được như họ đã tung tiền tỷ để mua cầu thủ về sao hóa Đà Nẵng.

Còn 3 lượt trận nữa, so với Gạch Đồng Tâm, Đà Nẵng bây giờ thua 7 điểm. Con số khá lớn nhưng không hẳn là quá xa nếu thiên thời-địa lợi đến với Đà Nẵng.

Về lý thuyết, Đà Nẵng là đội chập chờn hơn Gạch Đồng Tâm và ít có những đột biến như Gạch trong những trận cần phải giải quyết sự sống còn.

Thế mạnh của Đà Nẵng là ngoại binh (cả ngoại tỉnh lẫn ngoại quốc) nhưng đấy cũng là thế yếu của một đội bóng dễ bị chi phối. Đồng tiền bỏ ra cho các cầu thủ được mua về đôi khi không được xây dựng trên thước đo năng lực mà do các mối quan hệ.

Đấy cũng là lý do vì sao có trận Đà Nẵng chơi thật bốc và cũng có trận xìu thật xìu! Hơn ai hết, HLV Thụy Hải thấy được điều đấy. Ông đang quản lý cả một chùm sao và chùm sao ấy thừa biết rằng chiếc ghế của ông không ổn định nên ông có thể đi bất cứ lúc nào.

Ông Hải khác với ông Calisto ở Gạch Đồng Tâm không phải ở vị trí mà ở nhận thức của các cầu thủ với người thầy của mình và cao hơn nữa là mối quan hệ của ông thầy với “ông chủ”.

Ông Hải đã mãn nguyện với việc vượt chỉ tiêu và ông hiểu chức vô địch với Đà Nẵng bây giờ nó thật gần về lý thuyết nhưng lại quá xa về chuyên môn. Nhất là lại đối với một đội bóng mà ông hiểu tường tận như Đà Nẵng.

Số phận của Gạch Đồng Tâm do họ tự quyết trong khi số phận của Đà Nẵng lại do các cầu thủ Gạch Đồng Tâm và các cầu thủ Đà Nẵng quyết.

“Tiên” mà Đà Nẵng muốn mua khó có được từ thảm tiền trải ra để săn cầu thủ trong khi “tiên” của Gạch lại nằm ở cái đầu và cả một tập thể mà cầu thủ, HLV, Giám đốc kỹ thuật và “ông chủ” của mình là một.

Nguyễn Nguyên

Tin cùng chuyên mục