“Tiếng nói” của Nam Du

Từ Rạch Giá ra Nam Du mất khoảng 5 tiếng đồng hồ. Đường xa, giữa trưa khách đói bụng đã có mì gói chan canh, gồm xương và sườn heo ninh với củ cải trắng ngọt lừ, ăn miễn phí theo kiểu tự phục vụ, no thì thôi. Tôi vừa ăn vừa nghĩ đến các bạn mình kể chuyện đi Mỹ, va-li nhét đầy mì gói, có lúc phải lấy ra nhai khô…
“Tiếng nói” của Nam Du

Từ Rạch Giá ra Nam Du mất khoảng 5 tiếng đồng hồ. Đường xa, giữa trưa khách đói bụng đã có mì gói chan canh, gồm xương và sườn heo ninh với củ cải trắng ngọt lừ, ăn miễn phí theo kiểu tự phục vụ, no thì thôi. Tôi vừa ăn vừa nghĩ đến các bạn mình kể chuyện đi Mỹ, va-li nhét đầy mì gói, có lúc phải lấy ra nhai khô…

Một phần bãi Ngự - Hòn Lớn (Củ Tron). Ảnh: M.THĂNG

Một phần bãi Ngự - Hòn Lớn (Củ Tron). Ảnh: M.THĂNG

Tàu đến hòn Củ Tron (đảo chính trong quần đảo Nam Du) gần 4 giờ chiều. Không khách sạn, không nhà nghỉ trọ. Chủ tịch xã bảo: đi ngay xem 21 hòn của quần đảo, quay về thì ra Bãi Ngự, tối trải chiếu nằm ngủ trên sàn gạch trụ sở ủy ban, sáng sớm hôm sau lên xem hải đăng để trưa mai chúng tôi về cho kịp chuyến tàu… Chúng tôi đi nhờ thuyền chạy vòng quanh 21 đảo, mất vài tiếng đồng hồ, một cuộc “du thuyền” tuyệt diệu quanh quần đảo, không tốn xu nào, lại được tổ chức “cấp tập” mà nên. Anh chủ tịch nói: “Đá ở đây mỗi năm mỗi “lớn”. Như rặng san hô các anh nhìn thấy kia, trước chìm dưới nước, nay đã nổi lên nối hai hòn đảo nên gọi hai Bờ Đập, giống cái đập chưa?”

Cuộc sống ở đảo xa ngày xưa quạnh hiu, khó khăn vất vả trăm bề nên những chuyện anh em lấy nhau trong ca dao, trong truyền thuyết tôi nghe kể suốt những lần ra đảo từ Bắc chí Nam… Đi ngang Hòn Mấu, tôi nhìn thấy cột ăng ten bưu điện cao cao và ở Củ Tron, tôi ra bưu điện nói chuyện về nhà rõ ràng, nhanh chóng, trong khi máy di động không có chút sóng nào…

Chúng tôi lên thăm ngọn hải đăng và đồn biên phòng trên đỉnh hòn Củ Tron… Một tốp xe ôm nổ máy vang rân, phóng vun vút trên con đường nhựa phẳng lì. Đường này có trước 1975, đến nay vẫn còn khá tốt. Nhiều đoạn dốc đứng, ngoằn ngoèo, các tay lái phải gài số nhỏ, mở hết ga. Được cái đường chẳng ai đi, xe tha hồ rú. Hải đăng mới, nhỏ gọn nhưng khá đẹp, chắc chắn. Nhà cất năm 2000, trên chỗ cao nhất của hòn Củ Tron, và chúng tôi leo thêm mấy tầng lầu lên nóc ngôi nhà đó xem hải đăng, so với mặt nước biển, cao hơn 300m. Thật không uổng công.

Từ đây, tầm mắt ta phóng xa, ôm gọn quần đảo Nam Du và biển xung quanh tuyệt đẹp. Tôi nhớ tới gộp đá có hình người con gái bơi qua nghìn trùng sóng nước để tới biển Tây ôm lấy cổ người yêu… Tôi đã leo lên hải đăng đảo Long Châu ở Hạ Long trong những ngày máy bay Mỹ bắn phá và giờ đứng trên hải đăng Nam Du ở biển Tây với cảm xúc về đất nước dạt dào… Tôi làm một “động tác nghề nghiệp”: trong lúc mọi người mải mê ngắm cảnh, tôi lẻn vào “đột kích” trạm trưởng hải đăng. Anh trạm trưởng, theo đúng nguyên tắc, bảo rằng nên có phép của Cục Bảo đảm hàng hải Khu vực IV đóng ở Vũng Tàu. Tôi cười và nói rằng chỉ muốn hỏi anh về chu kỳ chớp tắt của đèn Nam Du, chu kỳ này, theo nguyên tắc, đã được thông báo cho quốc tế, ghi trên các bản đồ hàng hải thì chắc cũng không có gì phải xin phép nữa. Anh cười.

Vậy là chúng tôi “bắt được tần số” của nhau. Chu kỳ chớp tắt của đèn Nam Du là 10 giây, trong đó 3 lần chớp sáng, mỗi lần 0,38 giây… Đó là “tiếng nói” riêng của từng cây đèn biển, không cái nào giống cái nào trên mọi đại dương của hành tinh chúng ta. Hàng đêm, bất kể là gió hay mưa, cơn dông hay bão tố, đèn Nam Du vẫn chớp sáng. Những đêm biển yên, nó chiếu xa 25 hải lý và cần mẫn, tận tụy, im lặng mà “nói”: Đây Nam Du, vùng biển Tây của Việt Nam.

Trên đường về, chúng tôi dừng lại bên một con dốc. Nhìn xuống, Bãi Ngự trải ra, rừng dừa, nhà cửa, thuyền bè lô nhô, nhỏ xíu. Cảnh như một bức tranh quê hương tuyệt đẹp. Chiều qua, khi từ các đảo về, chúng tôi cũng đi xe ôm leo dốc rồi đổ xuống đó. Chúng tôi đến Bãi Ngự còn kịp nhìn thấy mặt trời đang lặn xuống mép nước phía Tây, đỏ ối, như một trái trứng cá khổng lồ chín mọng, đẹp lạ lùng…

TRẦN THANH GIAO

Tin cùng chuyên mục