Thời gian gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có các cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ, Nga và Đức. Tuy nhiên, chưa có cuộc gặp nào giữa nguyên thủ Pháp với lãnh đạo các quốc gia châu Á được diễn ra khiến người quan tâm quay lại câu hỏi: Từ ngày Tổng thống Pháp nhậm chức, chính sách châu Á của Pháp sẽ ra sao?
Tạp chí Pháp Asialyst vừa qua đăng tải bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế Philippe Le Corre phần nào giải đáp thắc mắc trên.
Theo chuyên gia Le Corre, cả Tổng thống Macron lẫn thủ tướng Edouard Philippe đều thuộc một thế hệ lãnh đạo trẻ, đã có dịp biết đến châu Á trong công việc trước đây của mình. Thủ tướng Edouard Philippe là người có kinh nghiệm thực tế về châu Á, cụ thể là về Trung Quốc. Khi còn là thị trưởng của TP cảng Le Havre, lãnh đạo Chính phủ Pháp đã có dịp phát triển các mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc. Ông Philippe đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, trong đó có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 11-2013.
Bên cạnh đó, trong chính phủ mới được thành lập, vai trò của Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, một người thường xuyên tiếp cận với châu Á trong suốt 5 năm làm Bộ trưởng Quốc phòng của cựu Tổng thống Francois Hollande cũng sẽ rất cần thiết. Kể từ năm 2012, khu vực Đông Nam Á trở thành mục tiêu quan trọng đối với điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Hollande đã đích thân đi thăm nhiều quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương, từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Australia.
Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực. Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian làm ngoại trưởng rất được châu Á chú ý bởi bản thân ông rất quan tâm đến châu Á. Còn nhớ vào tháng 6-2016, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Jean-Yves Le Drian đã làm cử tọa ngạc nhiên khi đề xuất Liên minh châu Âu tiến hành những chiến dịch tuần tra Hải quân tại biển Đông. Bên cạnh sáng kiến đó, trong thời gian ông Jean-Yves Le Drian làm Bộ trưởng Quốc phòng, các thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á hay Ấn Độ được tăng cường...
Một trong những vấn đề khiến Tổng thống Pháp và các cộng sự của mình buộc phải quan tâm đến châu Á nhiều hơn là do đà vươn lên của kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục “tiến quân” vào châu Âu trên mặt trận kinh tế. Không ai có thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Beograd-Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Piree ở Hy Lạp lọt vào tay Trung Quốc... Trong hoàn cảnh đó, đề nghị của Tổng thống Pháp về việc tăng cường đoàn kết châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý. Ngoài ra, ông Macron cùng rất cần hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề chống biến đổi khí hậu...