(SGGPO).- Sáng 8-9, tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAF) phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các ủy ban có liên quan của Quốc hội tổ chức hội thảo chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Hội thảo sẽ thảo luận về 11 dự án luật trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 13, gồm: Bộ luật Dân sự; Luật Tiếp cận thông tin; Trưng cầu ý dân; Ban hành quyết định hành chính; Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Dân số; Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Tín ngưỡng và tôn giáo; Tài nguyên nước và Hợp tác xã.
Quang cảnh buổi hội thảo
Liên quan đến dự án Luật Tiếp cận thông tin, ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh HTX tỉnh Lào Cai nhìn nhận, nhu cầu về thông tin của người dân ở các vùng miền khác nhau, thuộc các tầng lớp khác nhau có những đặc thù riêng. “Hiện nay có tình trạng, cái chúng tôi cần biết thì lại không có, những thông tin không thiết thực thì lại được cung cấp thừa thải”. Thông tin về các chương trình hỗ trợ của nhà nước đến với người dân rất khó khăn: “Biết được đã khó, được thụ hưởng còn khó khăn hơn; nhất là chính sách khuyến công; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi hy vọng Luật làm rõ được những thông tin gì được cung cấp, ai có trách nhiệm, cung cấp như thế nào”?
Bàn về quyền tiếp cận những thông tin khoa học kỹ thuật – kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, vừa qua có ý kiến yêu cầu tiếp cận rộng rãi và miễn phí những thông tin khoa học kỹ thuật – kinh tế có thể ứng dụng vào cuộc sống và tạo ra lợi ích kinh tế, song “ở đây cần trao đổi rõ”. Theo TS Kiên, trong cơ chế thị trường thì quyền sở hữu trí tuệ cần được đảm bảo và nhìn chung, để đảm bảo tính chặt chẽ của Luật, dự thảo cần bổ sung nguyên tắc “quyền tiếp cận thông tin của người này không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Nhiều ý kiến khác tại hội thảo đồng ý với quan điểm này.
Đại diện Hội Luật gia TP Đà Nẵng góp ý: “Luật này quy định có hiệu lực đối với những thông tin được tạo ra kể từ ngày Luật có hiệu lực; vậy có phải những thông tin có trước khi Luật có hiệu lực thì không được cung cấp? Nếu thế thì không hợp lý”.
Ghi nhận ý kiến đại biểu về nhiều điểm chưa thật sự thỏa đáng trong dự Luật tiếp cận thông tin, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự Luật sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới đây.
ANH PHƯƠNG