| |
Từ ngày 1-7-2014, Luật Tiếp công dân đã có hiệu lực thi hành. Với những quy định rõ về trách nhiệm tiếp công dân và quyền, nghĩa vụ của người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, Luật Tiếp công dân không chỉ bảo vệ quyền chính đáng của người dân, mà còn giúp làm tốt công tác tiếp dân, ngăn ngừa, loại bỏ các điểm nóng về khiếu nại.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân được chính quyền TPHCM quan tâm, thường xuyên họp đánh giá kết quả thực hiện và chấn chỉnh. Ảnh: THẢO NGUYÊN
Quyền phải đi đôi với nghĩa vụ
Việc tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, lắng nghe kiến nghị, phản ánh của dân không chỉ giải quyết được những vụ việc bức xúc, liên quan quyền lợi người dân, mà còn có thêm kênh thông tin để phục vụ công tác điều hành, quản lý xã hội. Khi công tác tiếp công dân được đưa lên thành luật đã đề cao vị thế của người dân. Tuy nhiên, do Luật Tiếp công dân còn quá mới mẻ nên nhiều người chưa biết rõ quyền và trách nhiệm của mình.
Theo Điều 7 Luật Tiếp công dân, khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (nói chung là người dân) có quyền trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; được hướng dẫn giải thích nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; có quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân. Sau khi làm việc xong, người dân được nhận thông báo về tiếp nhận, kết quả xử lý. Trong trường hợp người dân không sử dụng thành thạo tiếng Việt, sẽ có quyền sử dụng người phiên dịch. Ngoài ra, còn có các quyền theo quy định pháp luật về khiếu nại và tố cáo. Cùng với các quyền đã được luật định, người dân có các nghĩa vụ sau: khi đến làm việc, người dân phải nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền; phải có thái độ đúng mực, tôn trọng người tiếp công dân; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân. Trường hợp nhiều người cùng phản ánh, khiếu nại cùng một nội dung, thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.
Bước chuyển từ cơ quan công quyền
Tại TPHCM, từ khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành, công tác tiếp dân đã được các cấp chính quyền, sở - ngành triển khai thực hiện nghiêm túc. Không chỉ ở cấp thành phố, ở nhiều quận - huyện và phường - xã, việc tiếp công dân đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả trong việc quản lý xã hội.
Từ thực tế công tác tiếp dân ở quận Thủ Đức cho thấy công tác tiếp dân đã được quận kiện toàn, tổ chức hoàn chỉnh từ quận đến các phường. Luật Tiếp công dân mới có hiệu lực hơn 1 năm nhưng đã đi vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn và có tính sáng tạo. Hàng tuần, các cán bộ chủ chốt, từ chủ tịch đến các phó chủ tịch quận đều bố trí thời gian tiếp công dân. Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Huỳnh Thanh Nhân tiếp dân vào chiều thứ sáu hàng tuần. Việc bố trí ngày tiếp dân của chủ tịch quận cố định đã tạo điều kiện cho người dân chủ động sắp xếp thời gian đến gặp người đứng đầu chính quyền địa phương khi cần. Không những tiếp ở trụ sở cơ quan, quận Thủ Đức còn lập đoàn, cử cán bộ chủ chốt về các phường để tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó, lãnh đạo quận nắm được tâm tư, nguyện vọng cũng như những vấn đề bức xúc của dân. Công tác tiếp dân được lãnh đạo chính quyền quận chú trọng, đi vào nề nếp, đã xóa dần các điểm nóng khiếu nại trên địa bàn quận. Hơn 1 năm nay, trên địa bàn quận Thủ Đức không phát sinh thêm vụ việc khiếu nại đông người; tình trạng tụ tập, kéo nhau lên cấp trên khiếu kiện tập thể giảm bớt.
Tuy nhiên, nhìn chung trong quá trình thực thi Luật Tiếp công dân trên địa bàn TPHCM, cũng bộc lộ một số tồn tại cần được tháo gỡ. Thực tế cho thấy không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được tầm quan trọng của công tác tiếp dân. Đối với người dân, còn có nhiều người chưa biết hết quyền và nghĩa vụ của công dân theo Luật Tiếp công dân. Người dân còn làm theo cảm tính, nên không thể hiện hết vai trò, vị trí quyền công dân của mình. Vì thế, nhiều người còn để bị lôi kéo, tham gia khiếu kiện đông người, khiếu nại vượt cấp. Có người lại tụ tập ở nơi công cộng, đông người thay vì nơi cần đến là cơ quan, địa điểm tiếp công dân đã được sắp xếp theo luật định.
TRẦN YÊN