Bà cụ tóc bạc phơ, di chuyển chậm chạp khó khăn, tới lui phải nhờ tới cái khung nạng bằng sắt nhưng hầu như không buổi giao lưu, nói chuyện, biểu diễn đờn ca tài tử nào người ta mời mà bà vắng mặt. Không ngại xa xôi, không quản mưa nắng, xa cỡ nào bà cũng tới cho kỳ được. Đơn giản một điều là vì bà quá yêu nghề. Bà yêu những bài nhạc, yêu những tiếng đàn vừa chân phương vừa lả lướt đã mê hoặc bà từ thuở nhỏ, ăn sâu vào máu và gắn bó với bà gần như trọn cuộc đời. Bà yêu người tri âm với một tình yêu vô cùng dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử. Đó là hình ảnh của Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ.
Những năm trước còn khỏe, bà tham gia nhiều lớp truyền dạy ca tài tử cho hàng chục CLB, đội nhóm, học sinh sinh viên yêu nghệ thuật tài tử, bà cũng luôn có mặt trong các liên hoan, nhạc hội đờn ca tài tử không chỉ các quận huyện tại TPHCM mà còn khắp các tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam bộ. Hơn 3 năm nay, sau lần tai nạn giao thông bị gãy chân, phải phẫu thuật nhiều lần, bà đi lại khó khăn hơn, vậy nhưng, người ta vẫn thấy bà chống nạng tham dự nhiều chương trình: từ sinh hoạt nghệ thuật tại nhà GS-TS Trần Văn Khê, nhạc hội tài tử ở Văn Thánh, đờn ca tài tử ở một số phòng trà đến đờn ca tài tử phục vụ người dân các quận huyện. Nghệ nhân Bạch Huệ tâm tình: “Biết nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được lập hồ sơ trình tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thật lòng tôi vui mừng không kể xiết. Rồi lại nghe nhà nước sẽ có chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống này, tôi lại càng mừng hơn. Người ta nói tre già thì măng mọc, nhưng lớp nghệ nhân chúng tôi hiện giờ phần đông đã già yếu mà vẫn chưa thấy măng đâu”. Những lần trò chuyện với bà, bao giờ cũng nghe bà kết thúc bằng câu “bây giờ tuy lớn tuổi rồi, sức yếu rồi nhưng hễ có nơi nào cần, đơn vị nào muốn tổ chức lớp âm nhạc tài tử là tôi sẵn sàng có mặt, gần xa gì cũng đi”.
Câu chuyện tâm tư của nghệ nhân dân gian Bạch Huệ không chỉ là tâm tư của những người làm nghề. Tính đến nay, TPHCM đã có 13 người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong số đó có 2 người đã mất. Nói như tổ chức UNESCO, họ là “những báu vật nhân văn sống”, họ đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên từ nhiều năm qua, hầu hết những người này chỉ có danh hiệu để tôn vinh chứ chưa có được bất cứ chính sách đãi ngộ nào thỏa đáng. Một chế độ đãi ngộ xứng đáng để “những kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc” có thể an tâm truyền nghề cho các thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng về lĩnh vực nghệ thuật đờn ca tài tử, những bậc đại thụ theo thời gian hiện còn lại không nhiều. Nếu không kịp thời có những chính sách hỗ trợ để họ truyền nghề thì những ngón đàn tranh tài hoa của nhạc sư Vĩnh Bảo, những kho tàng kiến thức về nghệ thuật truyền thống của GS-TS Trần Văn Khê, ngón đàn kìm độc đáo của NSƯT Ba Tu, giọng ca tài tử Bạch Huệ… rồi cũng sẽ mai một dần!
LÊ MINH