Một điều đáng ghi nhận là ở những trường công lập tự chủ tài chính, dù học phí cao hơn nhiều so với trường công lập khác nhưng nguồn học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên của những trường này tăng đến bất ngờ (từ năm 2015 đến nay) và kèm theo đó rất nhiều chính sách hỗ trợ khác dành cho sinh viên.
Không để sinh viên bỏ học
Ngoài những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho sinh viên thuộc diện chính sách, hiện nay sinh viên nhiều trường đại học (ĐH) từ công lập đến tư thục còn nhận được sự quan tâm, tiếp sức của các tổ chức xã hội, mạnh thường quân.
Sinh viên các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM hiện nay được nhiều tổ chức trong nước lẫn quốc tế trao nhiều học bổng. Không chỉ sinh viên xuất sắc, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn cũng được hỗ trợ bằng nhiều suất học bổng.
Đặc biệt, Trường ĐH Quốc tế được xem là trường thành viên luôn có mức học bổng nhiều nhất dành cho sinh viên. Hàng năm, cơ sở đào tạo này dành gần 10 tỷ đồng để cấp học bổng cho tân sinh viên và sinh viên có kết quả học tập xuất sắc.
Mô hình học bổng đỡ đầu “1+1” và “1+2” của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã tiếp sức
nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Đi với tân sinh viên, trường dành đến 10% chỉ tiêu toàn trường cấp học bổng toàn phần bằng hình thức miễn 100% học phí toàn khóa (4 năm), tương đương 168 triệu đồng/sinh viên.
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến cũng được hỗ trợ bằng nhiều chính sách học bổng. Ngoài chính sách học bổng dành cho tuyển sinh hơn 2,5 tỷ đồng, trường còn thành lập Quỹ học bổng Hoàng Như Mai dành riêng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và kết quả học tập xếp loại khá trở lên.
Bên cạnh đó, trường cũng có chương trình “HEDU - Kết nối niềm tin” áp dụng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với chính sách vay đóng học phí với lãi suất 0% trong suốt khóa học.
Ngoài chính sách miễn giảm theo quy định của nhà nước, Hội Khuyến học Trường ĐH Tôn Đức Thắng xét tặng học bổng cho tân sinh viên nghèo, hiếu học; tân sinh viên mồ côi.
Đặc biệt, hội khuyến học xây dựng mô hình học bổng đỡ đầu “1+1”, “1+2” theo nghĩa 1 giảng viên, viên chức, mạnh thường quân, doanh nghiệp nhận đỡ đầu 1 hoặc 2 sinh viên nghèo, sinh viên mồ côi hiếu học, từ khi nhập học đến khi tốt nghiệp.
Quỹ hỗ trợ sinh viên tăng
Đối với các trường công lập tự chủ tài chính, dù mức học phí hiện nay cao gấp 3 - 4 lần so với mức học phí các trường công lập chưa tự chủ tài chính nhưng điều này không có nghĩa sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ít có cơ hội vào học.
Thực tế cho thấy, nguồn học bổng và chính sách hỗ trợ cho sinh viên ở những trường công lập tự chủ tài chính hiện nay là cực lớn so với thời điểm trước tự chủ.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Theo quy định, trường trích 8% học phí cùng toàn bộ tiền lãi ngân hàng đưa vào quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên của trường. Chính vì vậy, sau 1 năm thực hiện thí điểm tự chủ, nguồn quỹ học bổng của trường hiện đã tăng lên khoảng 35 tỷ đồng (trước đó chỉ khoảng 12 tỷ đồng). Ngoài ra còn học bổng do các công ty, cựu sinh viên, các tổ chức phi chính phủ… tài trợ. Ngoài ra, trường có thêm chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo, hỗ trợ nữ sinh viên theo học các ngành kỹ thuật…”.
Theo Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, sau 3 năm thí điểm tự chủ, quỹ học bổng của trường từ 2,74 tỷ đồng/năm, nay đã tăng lên hơn 17 tỷ đồng.
Trước đây chỉ có 582 suất học bổng, nay tăng lên 1.260 suất học bổng. Mức học bổng dành cho sinh viên loại giỏi trước đây 5 triệu đồng/sinh viên, nay tăng lên 19,25 triệu đồng/sinh viên (tăng hơn 3,8 lần).
Chính vì vậy, trước khi tự chủ, nguồn học bổng chi chỉ có 4,6 tỷ đồng/năm, nhưng hiện nay đã chi học bổng cho sinh viên lên gần 14 tỷ đồng/năm. Trước khi tự chủ, năm 2015 Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cấp học bổng cho sinh viên theo quy định của nhà nước, hiện nay mức học bổng này tăng từ 7 - 9 lần.
Cùng với những trường trên, các trường công lập tự chủ như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Mở TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ngoài quỹ học bổng lớn mạnh thì quỹ hỗ trợ sinh viên cũng lên đến vài chục tỷ đồng, điều mà trước đây các trường không dám mơ tới. Do đó, sinh viên không thuộc diện chính sách, nhưng nếu có hoàn cảnh khó khăn thì nhà trường sẵn sàng hỗ trợ để sinh viên an tâm học tập.