Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị năng suất cao (*)

Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM lần thứ VIII (2008 - 2013) Tăng cường hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

 Qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII của Hội Nông dân thành phố, đặc biệt là qua phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đại hội chúng ta vui mừng nhận thấy trong nhiệm kỳ qua, mặc dù có nhiều khó khăn tác động đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hoạt động của hội, nhưng hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu do Đại hội Hội Nông dân thành phố lần thứ VII đề ra đều đã thực hiện có kết quả, trong đó có những chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả rất cao. 
 

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị năng suất cao (*) ảnh 1
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa phải) gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội Hội Nông dân TPHCM lần thứ VIII. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Về đời sống xã hội, diện mạo nông thôn thành phố hôm nay đã có nhiều thay đổi, tiến bộ. Nhiều nhu cầu thiết yếu phục vụ cho đời sống xã hội ở nông thôn đã được đáp ứng. Các phong trào xã hội xây dựng cộng đồng như xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa nhà tranh tre, nứa lá, hiến đất mở đường... đã tạo không khí đoàn kết, tương trợ, gắn bó tình làng nghĩa xóm trong nội bộ nhân dân.

Thực hiện chủ trương vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, phát triển nông thôn của một thành phố lớn; bước đầu nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi vùng lúa năng suất thấp sang trồng và nuôi giống cây, giống con đạt năng suất, chất lượng cao, tham gia xây dựng các làng nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động nông nghiệp trong điều kiện đô thị hóa…

Từ đó khu vực nông nghiệp, nông thôn thành phố đã cơ bản xóa hộ nghèo với mức thu nhập dưới 4 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn thành phố đã giảm xuống còn dưới mức 3%.
 
Về xây dựng hội, nhiều tổ chức hội đã đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; vai trò đại diện của tổ chức hội trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân ngày càng tốt hơn; các phong trào thi đua yêu nước của nông dân thành phố ngày càng phát triển sâu rộng, dân chủ cơ sở được phát huy... đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch lao động và xây dựng nông thôn văn minh, tiến bộ.
 
Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành quả đã đạt được của Hội Nông dân thành phố, cùng với những thành tựu của nông nghiệp, nông thôn thành phố trong 5 năm vừa qua.
 
Những thành quả của Hội Nông dân thành phố và những thành tựu trong nông nghiệp, nông thôn thành phố đạt được những năm qua là rất đáng trân trọng, nhưng so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành phố, thì chưa tương xứng với thế mạnh, khả năng của thành phố; cần phải phân tích sâu sắc, thấy hết những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để từ đó có biện pháp ra sức khắc phục và có thêm căn cứ xác định phương hướng, nhiệm vụ trong những năm tới.
 
Thực tiễn cho thấy nông nghiệp, nông thôn và phong trào nông dân thành phố những năm qua tuy phát triển mạnh nhưng chưa bảo đảm yếu tố bền vững; sản xuất và đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập trong lao động nông nghiệp nhìn chung vẫn còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn chậm; sản phẩm nông nghiệp chưa tạo được thế mạnh và chưa có nhiều thương hiệu để cạnh tranh trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động nhiều mặt đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn thành phố.

 Hoạt động của các cấp hội có nơi còn chậm đổi mới, nặng tuyên truyền một chiều, thiếu đi sâu nắm bắt tư tưởng, tâm trạng và những bức xúc của nông dân. Công tác quản lý hội viên chưa được chặt chẽ; chất lượng sinh hoạt chi hội, tổ hội ở một số nơi chưa phong phú, nhiều nơi sinh hoạt hội còn lồng ghép với sinh hoạt tổ nhân dân; đội ngũ cán bộ hội chưa được quy hoạch đào tạo nên còn hụt hẫng, chưa ngang tầm với nhiệm vụ.
 
Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Hội Nông dân thành phố, tôi cơ bản thống nhất với nội dung văn kiện đại hội đã đề ra và xin nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

 Thứ nhất, về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố, Hội Nông dân thành phố và các cấp hội cần nắm vững và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và quán triệt trong hội viên, trong giai cấp nông dân quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII: Tiếp tục thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị năng suất cao, sản xuất tập trung, phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, hình thành trung tâm cây giống, con giống cho cả khu vực; bảo tồn rừng sinh thái, tăng tỷ lệ che phủ cây xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái theo quy hoạch gắn với dịch vụ du lịch.

Xác định nông nghiệp, nông thôn thành phố hiện nay và trong tương lai luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của thành phố; do đó, cần tập trung đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn thành phố sớm trở thành một nền nông nghiệp hiện đại, sản phẩm nông nghiệp phải có hàm lượng kỹ thuật, có giá trị và sức cạnh tranh cao, có sức lan tỏa rộng; tập trung phát triển văn hóa - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nông dân, làm cho đời sống vật chất và văn hóa nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; nông thôn thành phố ngày càng tiến bộ, văn minh.

 Thứ hai, để nông nghiệp và nông thôn thành phố phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào sự ổn định xã hội, cải thiện, nâng cao mức sống của nông dân, Hội Nông dân thành phố cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát quy hoạch và khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể đất sản xuất nông nghiệp, quy hoạch mạng lưới giao thông liên xã, liên huyện và giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển.

Hội Nông dân thành phố cần chủ động phối hợp với các sở - ngành chức năng của thành phố đúc kết các mô hình hợp tác xã, các trang trại để vừa thúc đẩy mở rộng loại hình kinh tế này, vừa tạo điều kiện ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao, vừa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố, vừa phục vụ xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Thứ ba, thành phố chúng ta đến nay vẫn còn trên 17.000 hộ dân nghèo, chiếm 1,36% tổng số hộ dân của thành phố, trong đó khu vực nông nghiệp và nông thôn còn khoảng 15.000 hộ nghèo, cho thấy khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn; vì vậy, Hội Nông dân thành phố cần phối hợp với các sở - ngành, mặt trận và các đoàn thể tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc thực hiện chủ trương giảm hộ nghèo của thành phố, để đến cuối năm 2008 thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân dưới 6 triệu đồng/người/năm.

Cần quan tâm đến phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm hộ nghèo tăng hộ khá theo tiêu chí của thành phố (phấn đấu mỗi năm giảm 1.000 hộ trở lên thoát nghèo), trong đó, cần chú ý quan tâm chăm lo đời sống hội viên và nông dân nghèo, các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng còn gặp nhiều khó khăn; có chính sách hỗ trợ, giúp vốn, cho vay vốn để nông dân nghèo phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ để con, em nông dân nâng cao trình độ học vấn, học nghề, chuyển đổi ngành nghề trong quá trình đô thị hóa; không để tái nghèo trong các hộ nông dân đã thoát nghèo theo tiêu chí của thành phố. Phấn đấu từng bước thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
 
Thứ tư, hiện nay thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Do đó, các cấp Hội Nông dân thành phố cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò nòng cốt của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát huy quyền làm chủ của hội viên, của nông dân; khơi dậy mọi tiềm lực của nông nghiệp, nông thôn trong tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố. Hoạt động của các cấp hội cần tập trung giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; quan tâm xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của tổ chức hội.
 
Hội Nông dân các cấp cần thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội, nhất là ở cơ sở; có biện pháp tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém của các cấp hội; phát huy tính gương mẫu của cán bộ, hội viên là đảng viên, nhất là vai trò nêu gương và đề cao trách nhiệm của cán bộ chủ chốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Quan tâm phát hiện nhân tố mới trong hoạt động của hội và phong trào nông dân; chăm lo bồi dưỡng hội viên ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng; tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt tình, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện có chất lượng, hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, hội viên, nông dân. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và các hoạt động của hệ thống tổ chức hội, nắm thật chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, những vấn đề bức xúc của nông dân để đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền để có chính sách, biện pháp giải quyết phù hợp.

 Thứ năm, chăm lo cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh và bền vững, vừa là yêu cầu khách quan thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển thành phố, vừa là trách nhiệm đối với giai cấp nông dân - một giai cấp luôn đồng hành với giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây còn là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", bởi vì các huyện của thành phố chúng ta vốn là những vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến với những địa danh nổi tiếng như: Láng Le - Bàu Cò, Vùng bưng sáu xã, Bà Điểm - Hóc Môn, Rừng Sác, Địa đạo Củ Chi...

Nhân đại hội hôm nay, tôi yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là những địa phương có sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các sở - ban - ngành thành phố, mặt trận và các đoàn thể với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, cần phải hết sức quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của Hội Nông dân và phong trào nông dân thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển; đặc biệt là ngành nông nghiệp, khoa học - công nghệ, các nhà khoa học quan tâm hỗ trợ cho tổ chức hội, trong đó cần tập trung việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống cây, giống con cho những người dân có điều kiện thực hiện; đồng thời, tập trung nghiên cứu để có những cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động các nguồn lực cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành phố; đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới; kiên quyết khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp gây ra. Hội Nông dân các cấp vững mạnh sẽ là chỗ dựa vững chắc để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và xây dựng nông thôn mới.
 
Thứ sáu, về những kiến nghị của đại biểu Hội Nông dân thành phố trong hội nghị tiếp xúc với lãnh đạo thành phố vừa qua và tại đại hội này, lãnh đạo thành phố ghi nhận và sẽ xem xét giải quyết; định kỳ sẽ kiểm tra việc thực hiện để đảm bảo những kiến nghị hợp lý của hội được thực hiện đến nơi, đến chốn và có hiệu quả. Trước mắt, lãnh đạo thành phố quyết định cấp bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân thêm 50 tỷ đồng (ngoài 20 tỷ đồng quỹ hiện có) để hỗ trợ nông dân vốn phát triển sản xuất.

Lãnh đạo thành phố tin tưởng và mong Hội Nông dân thành phố, các cấp hội cần quản lý và sử dụng nguồn quỹ này đúng mục đích, theo hướng chương trình mục tiêu, với những nội dung trọng tâm, cụ thể; có thời hạn hoàn thành, có tiêu chí đánh giá hiệu quả và phân công thực hiện rõ ràng, nhằm góp phần tạo được những chuyển biến tích cực trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
 
Nhân dịp này, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, tôi xin trân trọng tặng Hội Nông dân thành phố bức trướng: "Nông dân thành phố ĐOÀN KẾT - ĐỔI MỚI - HỘI NHẬP - PHÁT TRIỂN" 

(Trích phát biểu của đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tại Đại hội Hội Nông dân TPHCM lần thứ VIII) 

 
 (*) Đầu đề do SGGP đặt

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị năng suất cao (*) ảnh 2
Thi công công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Tin cùng chuyên mục