Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo. Đặc biệt chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Chi nhánh NHTM tại các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đảm bảo cân đối, ưu tiên, tập trung bố trí đủ vốn cho vay trên tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn kịp thời thu mua tạm trữ, chế biến, xuất khẩu lúa, gạo vụ đông xuân 2019 nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định giá bán hợp lý cho nông dân. Bên cạnh đó, các ngân hàng chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu lúa, gạo để có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn; tăng cường cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp củng cố, mở rộng diện tích kho chứa, bảo quản, chế biến lúa, gạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, nghiên cứu triển khai sản phẩm tín dụng cho vay lúa gạo, linh hoạt kỳ hạn cho vay phù hợp chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa, gạo. Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua lúa, gạo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố, NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Bước sang tháng 3-2019, nông dân vào cao điểm thu hoạch lúa hoạch đông xuân. Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua lúa hàng hóa. Giá lúa sau khi nhích lên đã chựng lại ở ngưỡng dưới 5.000 đồng/kg. Cụ thể ngày 6-3, tại An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ lúa phẩm cấp trung bình IR 50404 được thương lái mua tại ruộng với giá 4.500 - 4.600 đồng/kg. Các giống lúa dài, Đài Thơm 8 dao động 4.800 - 5.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 600 - 700 đồng/kg. Trong khi đó, tại An Giang và Kiên Giang, lúa thơm Jasmine đang có xu hướng giảm giá. Thương lái đến tại ruộng/nhà dân ở An Giang mua lúa Jasmine với giá 4.900 đồng/kg; tại huyện Tân Hiệp - Kiên Giang chỉ có 4.700 đồng/kg, giảm từ 100 - 300 đồng/kg so với với tuần rồi, thấp hơn cùng kỳ trên 1.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 3, nông dân ĐBSCL thu hoạch khoảng 500.000ha lúa đông xuân, sản lượng trên 3,3 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 2,4 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương 1,2 triệu tấn gạo cung cho nguồn xuất khẩu. Đáng chú ý, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện nay giá gạo xuất khẩu của
Việt Nam đối với gạo 5% tấm từ 343 - 347 USD/tấn, đối với gạo 25% tấm từ 327 - 330 USD/tấn, thấp hơn giá xuất khẩu gạo của Thái Lan khoảng 32 USD/tấn. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA tin rằng, trong năm 2019, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 6 triệu tấn, tương đương với năm 2018 (6,1 triệu tấn). Theo ông Nam, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay cũng sẽ chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á. “Tính từ ngày 1-1 đến 15-2, Việt Nam xuất được 491.308 tấn, bằng 66% so với cùng kỳ. Và số lượng hợp đồng sẽ tăng trong quý 2 khi giá gạo của Việt Nam đã có sự cạnh tranh hơn (giá giảm) cộng với nhu cầu nhập khẩu mới của các thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia’’, ông Nam tin tưởng.