Tiếp tục “dọn” ngân hàng yếu

Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2 (2016-2020) đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, riêng đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng (NH), gồm 3 ngân hàng 0 đồng, DongA Bank và Sacombank sau sáp nhập, đã được Bộ Chính trị chấp thuận.

Khoanh vùng 5 ngân hàng

Trong giai đoạn đầu, NHNN đã xử lý 9 ngân hàng cổ phần yếu kém thông qua việc hợp nhất, sáp nhập (M&A); NHNN mua lại bắt buộc 3 ngân hàng với giá 0 đồng vì âm vốn, là Đại Dương (OceanBank), Xây dựng (CB), Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và đưa một NH vào diện kiểm soát đặc biệt là NH Đông Á (DongA Bank).

Sau hơn 1 năm bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, hoạt động kinh doanh DongA Bank đã ổn định Ảnh: HUY ANH

Đến nay, các NH sau M&A nhìn chung đều đã hoạt động ổn định, chất lượng tài sản được tăng cường, thanh khoản ổn định và không gây tác động tiêu cực đến hệ thống.

Riêng 3 NH bị mua bắt buộc với giá 0 đồng, NHNN đã giao cho các NH thương mại lớn để hỗ trợ về quản trị, tái cơ cấu. Từ âm vốn hàng ngàn tỷ đồng, các NH này cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, gần 2 năm sau khi NHNN mua lại 0 đồng và trở thành NH 100% vốn nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, năm 2016, CB đã chính thức trở lại thị trường và được NHNN cấp phép triển khai đầy đủ những hoạt động của một NH bán lẻ. Ngoài ra, CB cũng rất tích cực nâng cao hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu. Đến nay, CB đã bán 500 tỷ đồng nợ cho nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), xử lý được gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến các hồ sơ vay vốn của Công ty Xe khách Phương Trang.

Tương tự, sau khi được sự hỗ trợ của VietinBank bằng cách cử người sang điều hành, tính đến cuối tháng 6-2016, số dư huy động vốn của GPBank tăng 8,7% so với  cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, từ tháng 4-2016, dư nợ trên toàn hệ thống đã tăng trưởng trở lại so với đầu năm. OceanBank cũng đã có kết quả kinh doanh trong 2 năm liên tiếp 2015-2016 hoạt động đều có lãi, góp phần khắc phục một phần lỗ lũy kế do quá khứ để lại. Riêng DongA Bank, sau hơn 1 năm kể từ ngày bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, đến nay mọi hoạt động kinh doanh đã dần trở lại bình thường, ổn định. Hiện thanh khoản của DongA Bank tiếp tục đảm bảo an toàn với tỷ lệ khả năng chi trả ngay đến cuối năm 2016 là 20,1%, cao hơn mức quy định là 10%. Liên quan đến xử lý nợ xấu, tính lũy kế từ 13-8-2015 (thời điểm bị kiểm soát đặc biệt) đến cuối tháng 12-2016, DongA Bank đã xử lý và thu hồi được 4.192 tỷ đồng nợ xấu.

Tiếp tục sáp nhập

Mặc dù đề án chi tiết vẫn chưa được công bố, nhưng chủ trương quyết liệt tái cơ cấu hệ thống NH giai đoạn 2 là sẽ tiếp tục “dọn” các NH yếu kém thông qua hình thức M&A. Thương vụ đã được nhận diện thực hiện trong năm nay đó là sáp nhập NH thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào VietinBank. Thương vụ này đã được đại hội cổ đông hai bên thông qua từ tháng 4-2015. VietinBank cũng đã hỗ trợ PGBank đề án tái cơ cấu để trình NHNN và Chính phủ phê duyệt.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 trong tháng 1 vừa qua, Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cũng khẳng định năm 2017, NH sẽ bám sát tiến độ Đề án nâng cao năng lực tài chính cho các NH thương mại, trong đó có nhiệm vụ sáp nhập PGBank vào hệ thống.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, trong đề án tái cơ cấu 5 NH vừa được duyệt, có thể sẽ có NH phải tái cơ cấu bằng giải pháp M&A. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho rằng nên đưa 3 NH 0 đồng sáp nhập vào những NH thương mại nhà nước đang tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, để làm được thì cần phải có công cụ, cơ chế để những NH thương mại nhà nước này sẵn sàng nhận sáp nhập.

Trước đó, NH Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng cho biết đang có kế hoạch mua lại một NH thương mại yếu kém của Việt Nam theo hình thức M&A. Mặc dù vẫn chưa hé lộ sẽ chọn NH nào nhưng hiện nay trên thị trường vẫn còn nhiều NH có quy mô nhỏ, chỉ đáp ứng đủ vốn pháp định 3.000 tỷ đồng hoặc nhỉnh hơn một chút như VietA Bank, OCB, SaigonBank, BacA Bank, VietCapital Bank… nên việc tiến hành M&A cũng sẽ được triển khai sớm.

Theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù nhiều NH nhỏ không muốn chọn phương án sáp nhập và cũng đã xây dựng kế hoạch nâng cao tiềm lực tài chính để tự tái cơ cấu nhưng sẽ không dễ dàng. Vì thực tế cho thấy, không ít các NH đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mấy năm nay nhưng vẫn chưa thành công vì cổ phiếu NH không còn “nóng” để dễ dàng thu hút nhà đầu tư. Chính vì thế, với các NH nhỏ không thể tăng vốn, quản trị yếu kém và lợi nhuận sụt giảm mạnh nhiều năm, việc sáp nhập được coi là giải pháp tốt nhất.

Để đảm bảo an toàn hệ thống trong thời gian tới, NHNN đã khoanh vùng 5 NH (gồm 3 ngân hàng 0 đồng, DongA Bank và Sacombank sau sáp nhập) để tiếp tục xử lý ngay trong năm 2017. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đề án tái cơ cấu 5 NH này đã được NHNN xây dựng các phương án cụ thể báo cáo và Bộ Chính trị đã có kết luận cụ thể, chi tiết về việc xử lý. Trên cơ sở này, NHNN đã hoàn thiện phương án trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để thực hiện trong thời gian sớm nhất.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục