Tiếp tục hành trình tìm sự sống trên sao Hỏa

Vào lúc 3 giờ 48 phút (giờ Washington) ngày 18-2, robot tự hành Perseverance của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã đáp xuống bề mặt sao Hỏa trong sứ mệnh mới nhất, nghiên cứu xem từng có sự sống trên hành tinh Đỏ hay không.
Robot tự hành Perseverance của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đáp xuống bề mặt sao Hỏa
Robot tự hành Perseverance của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đáp xuống bề mặt sao Hỏa

Perseverance trị giá 2,7 tỷ USD, mang theo một bộ dụng cụ khoa học tinh vi, tiên tiến và có mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh của chúng ta. Perseverance là robot thứ ba từ Trái đất đến hành tinh Đỏ trong tháng này. Tuần trước, hai tàu vũ trụ khác, Hope của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Tianwen-1 của Trung Quốc, đã đi vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa.

Sự xuất hiện của Perseverance trên sao Hỏa là đánh dấu kỷ lục đổ bộ thành công của Mỹ lên hành tinh này với con số 6. Trong 20 năm qua, NASA đã dần đặt ra những câu hỏi phức tạp hơn về sao Hỏa.

Tàu thăm dò Perseverance được phóng lên vũ trụ vào tháng 7-2020, được trang bị một mũi khoan, một cánh tay robot dài hơn 2 mét và 7 dụng cụ khoa học khác nhau. Điểm đến của Perseverance là miệng núi lửa Jezero. Nó sẽ khám phá vùng châu thổ của một con sông từng chảy vào hồ nước lấp đầy miệng núi lửa. Những đống trầm tích là nơi hứa hẹn xuất hiện dấu hiệu hóa thạch của các vi khuẩn trên sao Hỏa cổ đại, vẫn có thể được bảo tồn cho đến ngày nay.

Trên bề mặt sao Hỏa, các dụng cụ khoa học của Perseverance sẽ có cơ hội phát huy tác dụng tối đa. Mastcam-Z là một cặp máy ảnh khoa học, có thể thu phóng trên cột viễn thám của Perseverance, tạo ra các bức ảnh toàn cảnh 3D màu, có độ phân giải cao về phong cảnh trên sao Hỏa.

Cũng nằm trên cột viễn thám là SuperCam sử dụng tia laser để nghiên cứu thành phần hóa học của đá và trầm tích, đồng thời có micro riêng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về đặc tính của đá, bao gồm cả độ cứng của chúng.

Tiếp tục hành trình tìm sự sống trên sao Hỏa ảnh 1 Phòng điều khiển Perseverance tại NASA reo mừng khi con tàu đáp xuống bề mặt sao Hỏa 

Nằm trên cánh tay robot của Perseverance là dụng cụ chiếu tia X mang tên PIXL, có thể quét và làm phát quang các chất hữu cơ để thu thập dữ liệu địa chất trên sao Hỏa. Máy đo quang phổ và tia laser cực tím SHERLOC, cùng với bộ cảm biến địa hình góc rộng và máy ảnh điện tử (WATSON) sẽ nghiên cứu bề mặt đá, lập bản đồ về sự hiện diện của một số khoáng chất và phân tử hữu cơ, là những khối cấu tạo nguồn gốc carbon, giống sự sống trên Trái đất.

Ngoài ra, nhằm hướng tới các cuộc thám hiểm hành tinh Đỏ trong tương lai, Perseverance sẽ thực hiện công nghệ thí nghiệm sản xuất oxy tại chỗ trên sao Hỏa từ không khí loãng (bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa chủ yếu là CO2). Công cụ phân tích động lực học môi trường sao Hỏa (MEDA) của Perseverance có các cảm biến sẽ cung cấp thông tin chính về thời tiết, khí hậu và bụi trên sao Hỏa ngày nay.

Perseverance cũng mang theo một chiếc trực thăng nhỏ, có tên là Ingenuity, sẽ được sử dụng để thực hiện chuyến bay có điều khiển đầu tiên trên một hành tinh khác. 

Giai đoạn tiếp theo trong chương trình thám hiểm sao Hỏa, NASA hợp tác với Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA). Nhiệm vụ tiếp theo sẽ triển khai một máy dò nhỏ để lấy các mẫu đã được Perseverance tìm ra, đưa chúng vào một hộp duy nhất và sau đó phóng lên quỹ đạo xung quanh sao Hỏa.

Giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng là phóng một tàu vũ trụ mang hộp chứa có kích thước như quả bóng rổ từ quỹ đạo sao Hỏa, để cuối cùng quay trở lại Trái đất vào năm 2031.

Tin cùng chuyên mục