Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM vừa công bố chỉ số tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2006 – 2010. Đây là lần đầu tiên TPHCM công bố chỉ số này. Theo đó trong năm 2010, TPHCM đã tiêu thụ hơn 4,8 tấn nhiên liệu, chiếm tới 30% của cả nước và 14 tỷ kWh điện. Cũng tại chương trình này, trong giai đoạn 2006 - 2010, thành phố tiết kiệm được hơn 786 triệu kWh điện, tương đương 5,62% tổng năng lượng tiêu thụ. Đối tượng công nghiệp và các tòa nhà tiết kiệm được hơn 428 triệu kWh điện; hộ gia đình tiết kiệm được hơn 236 triệu kWh điện; lĩnh vực hạ tầng đô thị như thoát nước, chiếu sáng công cộng... tiết kiệm được 120 kWh điện.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc trung tâm cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng được thực hiện là hơn 1.270 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của các doanh nghiệp thực hiện là chủ yếu với 1.200 tỷ đồng, còn là nguồn vốn của nhà nước và các hộ gia đình. Trong 5 năm qua, đã có hơn 400 doanh nghiệp trọng điểm, hơn 120.000 hộ gia đình trên địa bàn TPHCM đã tham gia các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng.
Còn theo Sở KH-CN TPHCM, đã có hơn 102.000 hộ gia đình tại TPHCM đăng ký cam kết tham gia chương trình tiết kiệm năng lượng. TPHCM phấn đấu con số này sẽ lên tới 1,8 triệu hộ từ nay đến năm 2015. Như vậy, chỉ cần mỗi hộ gia đình tiết kiệm khoảng 5% lượng tiêu thụ điện, con số tiết kiệm của cả thành phố sẽ rất lớn. Chính vì thế, trong thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tiếp tục có các chương trình dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình trong thực hiện tiết kiệm điện. Phấn đấu thực hiện mục tiêu tiết kiệm trên 3% năng lượng tiêu thụ trong toàn thành phố, xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để áp dụng vào thực tế cho 100% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trong giai đoạn 2009 - 2015 và mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, hiện có 2 rào cản trong việc đầu tư tiết kiệm năng lượng từ các doanh nghiệp: Thứ nhất, doanh nghiệp khó tiếp cận với chương trình tư vấn tiết kiệm năng lượng; thứ hai là nguồn vốn đầu tư cho tiết kiệm năng lượng khó được ngân hàng hỗ trợ vì không thẩm định được hiệu quả đầu tư. Theo ông Huỳnh Kim Tước, đối với ngành công nghiệp, có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất là cải tạo đổi mới công nghệ, thứ hai là nâng cao năng lực quản lý năng lượng trong doanh nghiệp. Đối với hộ gia đình, không những cần mua đúng mà còn phải sử dụng đúng thiết bị sử dụng năng lượng.
Từ nay đến năm 2015, thành phố phấn đấu tiết kiệm trên 3% tổng mức tiêu thụ năng lượng; áp dụng chương trình tiết kiệm năng lượng vào thực tế cho 100% doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, tiến tới mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện bắt buộc việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với 100% số tòa nhà xây dựng mới từ năm 2010; phổ biến rộng rãi các trang thiết bị có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu; khai thác tối đa năng lực của phương tiện, thiết bị; giảm thiểu mức tiêu thụ nhiên liệu trong giao thông vận tải, triển khai thí điểm mô hình sử dụng nhiên liệu thay thế, hạn chế lượng phát thải của các phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường…
BÁ TÂN