Các lò giết mổ gia súc tại TPHCM

Tiếp tục hoạt động đến cuối năm 2008

Tiếp tục hoạt động đến cuối năm 2008

Báo SGGP số ra ngày 14-7, có bài viết về tiến độ di dời các cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc trong nội thành theo Quyết định 31 của UBND TPHCM đang bị chậm trễ, do 2/3 vị trí xác định xây dựng phải thay đổi địa điểm vào giờ chót. Vì vậy, nếu sớm nhất cũng phải hết quý 2-2008 mới hoàn thành nhà máy giết gia súc mổ quy mô công nghiệp đầu tiên tại TPHCM.

Tiếp tục hoạt động đến cuối năm 2008 ảnh 1

Giết mổ gia súc tại Nhà máy VISSAN (Bình Thạnh). Ảnh: T.G

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, Nhà máy Giết mổ gia súc Tân Hiệp công suất khoảng 5.000-8.000 con/ngày, khi đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và vấn đề an toàn vệ sinh thú y của các CSGM trong khu dân cư hiện nay gây ra.

Do vậy, Ban điều hành phương án quy hoạch giết mổ gia súc TP (BĐH) buộc phải đề nghị với TP gia hạn 12 CSGM hiện nay trong khu vực nội thành, cho đến khi Nhà máy Giết mổ gia súc tại Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TPHCM) của Liên minh Hợp tác xã đi vào hoạt động (dự kiến cuối quý 2-2008).

Đó là Nhà máy VISSAN và 2 CSGM vệ tinh (Trạm kinh doanh gia súc số 4 và cửa hàng thực phẩm Gò Vấp), CSGM Nam Phong (Bình Thạnh) và CSGM gia cầm An Nhơn (Gò Vấp) của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn-Sagri), CSGM Tabico (Liên minh HTX Tân Bình), CSGM Trung tâm quận 12 (tư nhân quản lý), CSGM 213 Bến Bình Đông (Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp quận 8), CSGM Trung tâm quận Bình Tân, và 4 CSGM tại huyện Hóc Môn (CSGM Thị trấn, xã Đông Thạnh, xã Bà Điểm, xã Xuân Thới Sơn). BĐH cũng đề nghị tạm thời gia hạn 10 CSGM gia súc, 1 CSGM gia cầm tiếp tục hoạt động đến tháng 12-2008 do ở vùng sâu, chưa có phương án di dời: 2 CSGM ở quận Thủ Đức, 5 CSGM ở Củ Chi, 2 CSGM ở huyện Nhà Bè, 1 CSGM ở quận 2 và CSGM gia cầm Huỳnh Gia Huynh Đệ ở Bình Chánh.

Ông Nguyễn Phước Trung cho biết thêm, do việc xuống cấp, vệ sinh kém gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nên đến hết tháng 7 này, BĐH đề nghị chấm dứt hoạt động 3 CSGM tại huyện Bình Chánh (2 điểm, để đưa vào giết mổ tập trung tại CSGM Trung tâm Bình Tân) và 1 tại Củ Chi. BĐH cũng cho biết, khi Nhà máy Giết mổ gia súc Tân Hiệp đi vào hoạt động, các CSGM khác trong nội thành đều ngưng hoạt động, trừ Nhà máy Giết mổ gia súc của VISSAN tại quận Bình Thạnh (với dây chuyền giết mổ công nghiệp) vẫn được tiếp tục cho đến khi VISAN xây dựng xong nhà máy giết mổ gia súc ở Bến Lức.

Tuy nhiên, ngành y tế và tài nguyên – môi trường sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình các CSGM, nếu vấn đề ô nhiễm và vệ sinh không đảm bảo sẽ có ý kiến, để giải quyết từng trường hợp cụ thể. Như vậy, so với chỉ đạo của TP về tiến độ, việc di dời bị chậm hơn một năm rưỡi, người dân sống trong khu vực có các CSGM phải tiếp tục chịu cảnh “sống chung” với ô nhiễm, cả về nguồn chất thải và tiếng ồn.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục