Trong trong 2 ngày 25 và 26-9, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 9 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2011, tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác. Chiều 26-9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo.
Không nới lỏng chính sách tiền tệ
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ đánh giá đúng thực trạng, khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém cần khắc phục.
Theo Thủ tướng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, trước hết là lạm phát giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2011 tăng 0,82% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là lần thứ 2 liên tiếp mức tăng chỉ số giá dưới 1%. Thu, chi ngân sách đạt kết quả tốt, nhiều khả năng chúng ta sẽ giảm được bội chi dưới chỉ tiêu đề ra (5,3%) trong năm 2011. Hàng loạt các chỉ tiêu khác cũng đạt kết quả tích cực như tổng kim ngạch xuất khẩu tính chung 9 tháng đạt trên 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu 9 tháng bằng xấp xỉ 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (tỷ lệ nhập siêu 9 tháng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết 11, không quá 16%). Cán cân thanh toán tổng thể trong 9 tháng năm 2011 và dự báo cả năm là thặng dư; dự trữ ngoại tệ tăng lên; lãi suất còn cao nhưng đã kiểm soát được và có xu hướng giảm; tổng cầu giảm trong đó chủ yếu là giảm đầu tư công.
Bên cạnh đó, nợ quốc gia vẫn trong phạm vi an toàn; tiếp tục duy trì được sản xuất, quý sau cao hơn quý trước. Theo ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nếu trong quý 4 duy trì được tăng trưởng bằng quý 3, chúng ta sẽ giữ được mức độ tăng trưởng 6% trong năm 2011.
Tuy nhiên, tại phiên họp lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây chỉ là những kết quả tích cực bước đầu do kinh tế vĩ mô vẫn còn chưa vững chắc, bấp bênh, lạm phát còn cao, nhập siêu vẫn lớn, trong khi đó tình hình kinh tế thế giới phức tạp và khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài, ODA, khách du lịch… đến Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương trong các tháng cuối năm tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. “Ưu tiên hàng đầu vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để duy trì tăng trưởng hợp lý, chú ý bảo đảm an sinh xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, nhiệm vụ trước tiên vẫn là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, không nới lỏng tiền tệ. Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất xuống theo chiều hướng giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng. Kiểm soát tỷ giá hiệu quả để không gây biến động lớn. Về cung tiền, tăng dư nợ tín dụng ở mức khoảng 15%-17%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 12%. Quan tâm tới thanh khoản ngân hàng, giám sát chặt chẽ các hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, nhất là về nợ xấu; kiểm soát tốt cho vay nợ bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thị trường “chợ đen” về ngoại hối, thị trường vàng… Bên cạnh đó kiên quyết không ứng trước vốn ngân sách năm 2012, cùng với đó là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công. Quyết liệt thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các dự án, nhất là việc dồn vốn cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án thực sự cấp bách.
Kiềm chế lạm phát ở mức 18%
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để phân tích, thảo luận về nguyên nhân lạm phát cao và các giải pháp kiềm chế lạm phát thực hiện trong thời gian tới. Theo yêu cầu của Chính phủ, 3 bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những báo cáo độc lập về vấn đề lạm phát.
Theo ông Vũ Đức Đam, trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao thì các nguyên nhân nội tại là chủ yếu, trong đó nguyên nhân chính yếu là do chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng kéo dài. Lạm phát Việt Nam rất cao so với thế giới, kéo dài. “CPI 2011 phấn đấu kịch liệt cũng phải 18%. Lãi suất hiện đã giảm xuống nhưng vẫn rất cao, về cơ bản không mấy người vay được dưới 17%. Sản xuất rất khó khăn, đình đốn, hàng tồn kho nhiều”, ông Đam nói.
Vì vậy, Chính phủ khẳng định việc kiềm chế lạm phát phải được thực hiện hiệu quả bằng cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, phải kiên định chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chặt chẽ; thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm bội chi ngân sách; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà trước mắt tập trung vào 3 khâu (tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ)...
Thủ tướng chỉ đạo việc điều hành lạm phát theo mục tiêu: năm 2011 bằng các giải pháp kiềm chế bằng được lạm phát ở mức 18% và kéo xuống dưới 10% trong các năm tiếp theo để đến năm 2015 kìm lạm phát ở mức khoảng 5%. Chính phủ cũng đề cao giải pháp củng cố lòng tin của công chúng vào VNĐ bằng việc minh bạch chính sách, tiếp tục lộ trình xóa bỏ tình trạng vàng hóa, USD hóa, kiểm soát thị trường giá cả, lựa chọn thực hiện lộ trình giá thị trường đối với xăng dầu, điện...
Lâm Nguyên