Ngày 20-6, Ủy ban Săn bắt cá voi quốc tế (IWC) bắt đầu hội nghị kéo dài 6 ngày ở thành phố Agadir của Morocco. Ở hội nghị năm ngoái, IWC đã thất bại khi không tìm ra được một thỏa hiệp nào giữa các nước đánh bắt cá voi như Nhật Bản, Na Uy, Iceland và những nước chống đánh bắt cá voi dẫn đầu là Australia. Thay vì tiến tới một thỏa thuận, các đại biểu của IWC đồng ý gia hạn thời gian thương lượng để các nước tiến đến một thỏa thuận hy vọng sẽ đạt được ở hội nghị năm nay.
Hội nghị năm nay còn được dự đoán sẽ diễn ra khá căng thẳng bởi một đề xuất gây tranh cãi của IWC. Theo đó, lần đầu tiên trong 25 năm qua sẽ cho phép đánh bắt cá voi thương mại, kèm theo những hạn ngạch nghiêm ngặt.
88 nước thành viên IWC trên toàn thế giới được chia thành 2 cực. Một bên là các nước tán thành thiết lập lại hệ thống đánh bắt thương mại gồm có Nhật Bản, Iceland, Na Uy cùng nhiều nước châu Á, các nước ở khu vực Caribbean và một số nước Nam Phi (với chủ trương đẩy lùi đói nghèo, bảo đảm lương thực); bên còn lại gồm Australia, các nước thuộc Liên minh châu Âu (trừ Đan Mạch), các nước ở khu vực Nam Mỹ và hầu hết các nước nói tiếng Anh.
Đầu tháng này, Australia đã chính thức đưa Tokyo ra trước Tòa án Công lý quốc tế, nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá voi của Nhật Bản ở các vùng biển Nam cực.
H.NHI