Tiết kiệm cho tương lai thoát nghèo

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 2-7 vừa qua đã khẳng định, hai trong 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) là giảm đói nghèo (MDG-1); cải thiện điều kiện sống của người dân trong các khu ổ chuột ở các đô thị, giảm 50% tỷ lệ người không được tiếp cận nguồn nước sạch và các điều kiện vệ sinh (MDG-7) đã về đích trước thời hạn 2015 ba năm.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 2-7 vừa qua đã khẳng định, hai trong 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) là giảm đói nghèo (MDG-1); cải thiện điều kiện sống của người dân trong các khu ổ chuột ở các đô thị, giảm 50% tỷ lệ người không được tiếp cận nguồn nước sạch và các điều kiện vệ sinh (MDG-7) đã về đích trước thời hạn 2015 ba năm.

LHQ cũng khẳng định không có ví dụ điển hình nào cho ý tưởng xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu sinh động hơn những câu chuyện ở châu Phi và Ấn Độ.

Sống trong một túp lều tạm bợ ở làng Masumba của quốc gia Nam Phi Malawi, vợ chồng nhà Nasoni và Biti Rose từng chật vật với mỗi bữa ăn, loay hoay trong túng thiếu nhưng giai đoạn u tối nhất của nhà Nasoni đã qua. Từ năm 2005, chị Biti Rose tham gia nhóm tiết kiệm do tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển quốc tế CARE sáng lập. Ý tưởng trên xuất phát từ thực tế những người nghèo ở châu Phi sau mỗi vụ mùa thu được một khoản tiền mặt vừa phải nhưng không biết lên kế hoạch chi dùng, trong chốc lát tiêu xài hết, sau đó lại rơi vào thiếu thốn.

Mỗi tuần, Biti Rose gặp các thành viên còn lại của nhóm là những người cùng cảnh ngộ. Họ cùng góp một khoản tiền 10 cent mỗi lần. Số tiền này sau một thời gian nhất định sẽ được đầu tư kinh doanh nhỏ, theo kiểu tự chọn mà trước đó đã được CARE tư vấn. Biti Rose bắt đầu “sự nghiệp” với 2 USD cho quầy bánh rán. Việc buôn bán thuận lợi, tiền lời chị có được mỗi ngày đến vài USD. Thấy được thành công của vợ, anh Nasoni cũng chịu làm ăn, trồng rau đem bán. Tiền dành dụm của hai vợ chồng đủ để mua hạt giống, thuê thêm đất, thuê nhân công, tận dụng cơ hội để kiếm tiền.

Cũng với mô hình tiết kiệm từ những đồng lẻ, tổ chức Children’s Development Khazana của Ấn Độ từ năm 2001 đã thành lập ngân hàng tiết kiệm đầu tiên mà người quản lý không ai khác là trẻ em đường phố. Hiện đã có 300 chi nhánh của ngân hàng kiểu này ở khắp Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Afghanistan, Sri Lanka và Kyrgyzstan. Em Ram Singh (17 tuổi) bán trà dạo ở New Delhi. Mỗi ngày em kiếm được khoản tiền lời chỉ 1 USD nhưng em cũng cố nhín lại một nửa để gửi tiết kiệm. Ram Singh nói: “Em để dành tiền mỗi ngày, hy vọng một ngày khoản tiền đó đủ để em bắt đầu công việc kinh doanh một cách nghiêm túc, không phải chỉ là bán dạo lề đường”.

Lần đầu tiên kể từ khi các xu thế nghèo đói được giám sát, cho đến nay, cả số người sống cùng khổ và tỷ lệ đói nghèo trên thế giới đều giảm ở các nước đang phát triển. Khuyến khích người nghèo lao động sáng tạo, tiết kiệm tối đa, tận dụng những điều kiện hiện có để tạo công việc kinh doanh, đánh tan sức ì của họ là cách hiệu quả giúp họ thoát khỏi đói nghèo. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục