Đánh giá công nghệ của các doanh nghiệp

Tiêu chuẩn đánh giá mỗi nơi một khác!

Tiêu chuẩn đánh giá mỗi nơi một khác!

Đánh giá trình độ công nghệ tại các doanh nghiệp không chỉ nhằm cung cấp thông tin cho các đơn vị quản lý nhà nước mà còn cung cấp thông tin để doanh nghiệp có thể nhận thấy trình độ công nghệ của mình đang ở đâu trên mặt bằng chung, đâu là điểm yếu của công nghệ sản xuất mà mình đang sử dụng… Chương trình đánh giá công nghệ của 19 doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TPHCM do Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM thực hiện đã được các doanh nghiệp này hào hứng đón nhận. Nhưng khi  kết quả khảo sát đã có, việc phân loại vẫn không dễ dàng thực hiện...

  • Đánh giá riêng, không đánh giá chung
Tiêu chuẩn đánh giá mỗi nơi một khác! ảnh 1

Dây chuyền sản xuất sữa đóng hộp của Vinamilk. Ảnh: C.TH.

Theo anh Đỗ Nam Trung, chuyên viên phòng Quản lý Công nghệ, Sở KHCN TPHCM, 5, 10 năm trước đây, khi nói về việc thay đổi, chuyển giao công nghệ, câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra đầu tiên là: vốn. Bây giờ mọi việc đã khác, doanh nghiệp hiện quan tâm các thông tin về công nghệ. Đặc biệt, khi Việt Nam đã hội nhập WTO, các doanh nghiệp cần biết trình độ công nghệ của họ hiện đang “đứng” ở đâu so với mặt bằng chung, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của họ. Từ đó, mới xuất hiện những câu hỏi về việc chuyển giao công nghệ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Cuộc khảo sát hiện trạng công nghệ doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực do Sở KHCN tổ chức có mục đích trả lời những câu hỏi nêu trên của doanh nghiệp. Từ tháng 1-2007, nhóm thực hiện dự án này đã dành hơn một tháng và phối hợp với 39 chuyên gia ở các trường đại học, viện nghiên cứu và chuyên gia tại từng nhà máy tham gia chương trình để thực hiện khảo sát, đánh giá tại từng doanh nghiệp. Phiếu khảo sát được căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá chung của Bộ KHCN, với 5 phần chính là thông tin chung về doanh nghiệp; khảo sát các thành phần về thiết bị (T), nhân lực (H), thông tin (I) và tổ chức quản lý (O).

Hiện nay, việc khảo sát tại các doanh nghiệp đã được thực hiện xong, và các nhà khảo sát đang thực hiện báo cáo đánh giá trình độ công nghệ chung đối với các doanh nghiệp. Báo cáo này chỉ ra điểm yếu trong từng thành phần T,H,I,O của công nghệ, có thể kèm theo ý kiến tư vấn, khuyến cáo cho doanh nghiệp. Một thực tế là 19 doanh nghiệp này không hoạt động trong cùng lĩnh vực nên việc thực hiện khảo sát ở 19 doanh nghiệp, đưa ra nhận xét riêng về từng doanh nghiệp có thể thực hiện được, nhưng để chỉ rõ rằng doanh nghiệp đó đang đứng ở đâu trong thị trường thì không thể. Theo các chuyên viên tham gia thực hiện dự án này, hiện nay Sở KHCN chưa có đủ những thông tin chung về trình độ công nghệ tại các doanh nghiệp để so sánh. Chỉ riêng 2 ngành cơ khí và chế biến thực phẩm, Sở KHCN có thông tin khảo sát từ 500 doanh nghiệp trong một đề tài nghiên cứu được nghiệm thu vào năm 2005 là có cơ sở để dựa vào đó đánh giá tổng quan hơn.

Thực tế, việc khảo sát, đánh giá trình độ KHCN hiện nay cũng đã được thực hiện khá nhiều tại một số tỉnh thành trong cả nước. Tại TPHCM, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu… cũng đã thực hiện khảo sát đánh giá tại các doanh nghiệp theo yêu cầu của từng doanh nghiệp. Liệu có thể gộp những khảo sát này lại để cho ra một đánh giá sơ bộ? Câu trả lời là hiện không thể gom các kết quả khảo sát này lại với nhau, vì việc đánh giá trình độ KHCN của mỗi tỉnh thành mỗi khác, mỗi trường viện mỗi khác. Tiêu chí vênh nhau, nên ai khảo sát thì biết riêng người ấy. Việc khảo sát mới chỉ dừng lại ở mức trả lời câu hỏi “doanh nghiệp như thế nào”, chứ chưa thể trả lời câu hỏi “doanh nghiệp đang đứng ở đâu”. 

  • “Tôi đang đứng ở đâu?”

Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TPHCM, mục tiêu sâu xa hơn của việc đánh giá trình độ công nghệ tại các doanh nghiệp là tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xác định hiện trạng công nghệ và việc đánh giá phải có tính áp dụng cho doanh nghiệp. Sở đã có những hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để có thể kết nối các chuyên gia với những doanh nghiệp có nhu cầu chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, câu hỏi của doanh nghiệp được đánh giá về việc “Tôi đang đứng ở đâu” vẫn là câu hỏi cần được sớm trả lời hơn.

Giải quyết vấn đề này, chỉ có cách là xây dựng một tiêu chuẩn thống nhất về việc khảo sát đánh giá trình độ công nghệ. Các chuyên viên của Sở KHCN TP cho ví dụ: Khi đánh giá về trình độ nhân lực ở TPHCM, người ta xét theo tiêu chí có bao nhiêu kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ để phân loại. Còn tại các tỉnh thành khác, tiêu chí về nhân lực lại thấp hơn, nhân lực là thạc sĩ ở các nhà máy rất là ít ỏi. Quy định của Bộ KHCN cho các tiêu chí này quá chung chung, và mỗi tỉnh khi áp dụng lại hiểu theo cách riêng của mình, nên dù 2 tỉnh đều khảo sát về hiện trạng các doanh nghiệp cơ khí trên địa phương, vẫn không thể “ráp lại” để có được kết quả khảo sát, đánh giá so sánh chung về hiện trạng các doanh nghiệp cơ khí cho cả 2 tỉnh thành được. Ở 2 tỉnh thành đã thế, làm sao có thể có một cái nhìn chung trên toàn quốc?

Câu hỏi “Tôi đang đứng ở đâu” của doanh nghiệp về trình độ công nghệ, theo các nhà quản lý, cần một câu trả lời đồng bộ hơn về hệ thống tiêu chí đánh giá trên toàn quốc. Hệ thống tiêu chí chung đó bao giờ sẽ có? Theo ông Phan Minh Tân, Sở KHCN TPHCM đã kiến nghị Bộ KHCN tổ chức hội thảo để bàn về vấn đề này. Đây là việc chung của cả nước, nhưng cũng là lợi ích cho các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. “Chúng tôi cũng đang rất nóng ruột muốn trả lời cho doanh nghiệp biết họ đang đứng ở đâu. Nếu chưa thể có bộ tiêu chuẩn chung cho cả nước, chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng trước một bộ tiêu chuẩn chung cho thành phố” - ông Phan Minh Tân bày tỏ quyết tâm.

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục