Hôm nay 20-1 diễn ra phiên họp lần 2 Ban Chấp hành VFF khóa 5:

Tiêu điểm vấn đề tiêu cực

Với quá nhiều những vụ việc “nóng” trong thời gian gần đây, Ban Chấp hành VFF đã chưa để lại dấu ấn gì khi mà mọi việc đều dồn lên bộ phận Thường trực. Hôm nay, BCH sẽ họp bàn liên quan đến một số nội dung như: thông qua Quy chế làm việc của BCH, Quy chế kỷ luật, tổng kết hoạt động năm 2005 và phương hướng, kế hoạch năm 2006, lấy ý kiến thăm dò và nếu có thể bỏ phiếu bầu ngay tại BCH đối với chức danh Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.

  • Thách thức từ tiêu cực và khó khăn về cơ cấu bộ máy

Vấn đề tiêu cực bao trùm lên bóng đá Việt Nam trong năm 2005 quá lớn nên VFF đã soạn riêng một văn bản gọi là Báo cáo công tác phòng chống tiêu cực trong bóng đá năm 2005 để đưa ra bàn thảo, xin ý kiến của toàn thể BCH. Theo đó đã nêu rõ từng vụ việc như đường dây Lương Trung Việt và vụ án U-23 bán độ.

Tiêu điểm vấn đề tiêu cực ảnh 1

Trụ sở LĐBĐ Việt Nam.

Trong bản báo cáo nói trên trình BCH, VFF nêu rõ đã phối hợp cùng cơ quan công an lập “Kế hoạch phòng chống bán độ đối với một số cầu thủ U-23 tham dự SEA Games 23” và cũng thừa nhận rằng dù đã có sự chủ động đối phó từ trước song vụ việc 7 tuyển thủ tham gia bán độ trong trận đấu gặp U-23 Myanmar là “nằm ngoài dự đoán” và để lại cho những người làm bóng đá “bài học đau xót về công tác quản lý và giáo dục cầu thủ”.

Từ đó, VFF đã liệt kê ra 8 hình thức tiêu cực và xác định mục tiêu “từng bước làm giảm bớt, tiến tới loại trừ tiêu cực” với chủ trương “không khoan nhượng”.

Do lần đầu tiên áp dụng mô hình 2 cấp quản lý – điều hành nên số lượng nhân sự của VFF hiện đã “phình” ra gấp đôi, từ hơn 30 người lên đến con số 60 như hiện nay với 11 Ban và 9 phòng. Trong khi đó, trong dự định đưa ra BCH bàn thảo, bộ phận thường trực VFF đã tự nhận thấy có nhiều vấn đề mới trong quan hệ xử lý công việc, đôi lúc có chồng chéo nên hiện đang xây dựng các văn bản, quy chế làm việc và đặc biệt là “chưa tận dụng được trí tuệ của các thành viên BCH”..

  • Năm 2006: Phòng chống tiêu cực tiếp tục là công tác trọng tâm ?

VFF hiện đang đặt ra mục tiêu phối hợp với cơ quan điều tra để có kết luận liên quan đến những cá nhân tập thể tiêu cực để có thể ổn định hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia. Liên quan đến việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, VFF đã tìm được đối tác cho giải hạng Nhất và đang trong giai đoạn cuối của việc tìm tài trợ cho V-League 2006.

Ngoài ra, những nhiệm vụ khác như thành lập Ban chỉ đạo triển khai công tác đăng cai tổ chức AFC Asian Cup 2007, chuẩn bị lực lượng cho ĐTQG nam nữ tham dự Asiad Doha vào tháng 12-2006; triển khai đợt sinh hoạt chính trị, nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác lấy lại hình ảnh tốt của nhà tài trợ về bóng đá Việt Nam; tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu CLB, xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ quản lý và điều hành cho các lãnh đạo CLB... cũng sẽ được mang ra BCH để xin ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên, những vấn đề khá quan trọng như xây dựng lại Hội đồng HLV quốc gia (ông Chủ tịch đã nghỉ hưu, 2 thành viên đang trong trại tạm giam), chốt danh sách lãnh đạo Hội đồng trọng tài quốc gia khóa 4 (hiện vẫn đang chờ cơ quan điều tra xác minh về trường hợp của ông Nguyễn Văn Mùi mà VFF dự định chỉ định làm Chủ tịch) cũng như “trả lại tên cho em” đối với 9 ban hoạt động một cách cầm chừng, chiếu lệ (trừ Ban Kỷ luật)... lại không được nhắc đến và nhiều khả năng không được đưa vào chương trình nghị sự.

Nếu như BCH một năm họp 2 lần mà các thành viên được bố trí vào các ban hoạt động một cách chiếu lệ, phần lớn mọi việc do Thường trực và bộ phận điều hành xử lý thì sự dân chủ, một nguyên tắc tối cao của các tổ chức xã hội, sẽ mất đi.

  • Ai sẽ là Phó Chủ tịch chuyên môn ?

Hiện ứng viên nặng ký nhất là ông Mai Đức Chung, Trưởng bộ môn bóng đá UBTDTT. Ông Chung là người có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm làm HLV cũng như Trợ lý cho các HLV nước ngoài. Ông Chung còn là thành viên của Hội đồng HLV quốc gia cũng như được coi là người ôn hòa, không bị tác động bởi các CLB. Việc ông Chung không muốn nhảy vào “lửa” cũng không có gì quá nghiêm trọng nếu UBTDTT và VFF thuyết phục, thậm chí phân công có tính bắt buộc.

Trong khi đó, các ông Dương Vũ Lâm (TPHCM) và Nguyễn Hưng Thái (Nam Định) nếu chấp thuận ra ứng cử cũng nhiều khả năng giành được số phiếu cao. Tuy nhiên, cái khó của những nhân vật này là không được sự đồng ý của đơn vị chủ quản do còn nặng gánh việc công.

Ngoài ra, những cá nhân không phải là Ủy viên BCH như các ông Phạm Ngọc Viễn (nguyên TTK VFF khóa 3, 4 và hiện là Viện phó Viện Khoa học TDTT), Nguyễn Văn Vinh (Giám đốc kỹ thuật HA.GL) cũng không phải không có khả năng với tư cách là các ứng viên dự phòng.

Theo những thông tin mới nhất, chính Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đã cho rằng đây là vấn đề khó và nhiều khả năng phải đợi đến Đại hội thường niên mới có thể bầu ra được một vị Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Trong khoảng thời gian 4-5 tháng đó, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn vẫn đảm đương thay phần công việc này.  

AN HƯNG

Tin cùng chuyên mục