Khác với mọi năm, cao trào của xuất bản sách, nhất là thể loại văn học thường dồn vào dịp hè hay cuối năm, năm nay do nhiều yếu tố, đặc biệt là việc kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhiều tác phẩm văn học xuất hiện dịp đầu năm. Không chỉ về số lượng, các tác phẩm được dư luận quan tâm chú ý cũng nhiều hơn hẳn, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến những tác phẩm gắn liền hai yếu tố văn - sử.
Từ Biên bản chiến tranh
Có thế nói Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh là một dấu mốc quan trọng cho sự trở lại của dòng tiểu thuyết lịch sử vừa qua. Dấu mốc này không chỉ đơn thuần đến từ giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm mà còn ở bản thân nội dung của cuốn tiểu thuyết này. Nhà văn Trần Mai Hạnh từng là phóng viên TTXVN theo chân các đoàn quân trong những ngày tháng 4-1975. Tác phẩm của ông cũng ghi chép về những ngày đó, từ Huế đến tận Sài Gòn và đặc biệt ông còn là nhân chứng của thời khắc quan trọng nhất khi ông có mặt tại Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay) vào đúng trưa ngày 30-4-1975. Thế nhưng, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 chủ yếu dùng nguồn tài liệu khai thác từ phía bên kia. Và đúng như tên của tác phẩm, cả cuốn sách dày đặc các tư liệu, từ chính thống đến dã sử, từ các công điện đến những lời đồn đoán khi đó…, tất cả chỉ nhằm phác thảo nên một cái nhìn toàn cục và chi tiết về 4 tháng cuối cùng của quân đội, chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Và cũng vì yếu tố tư liệu chiếm vị trí rất quan trọng nên dù gọi là tiểu thuyết thì thực tế, tác phẩm này mang dáng vóc của một tư liệu lịch sử nhiều hơn.
Nếu tiểu thuyết lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 nặng tính sử hơn văn chương thì ngược lại, Đối chiến của nhà văn Khuất Quang Thụy lại nặng chất văn chương hơn dù rằng yếu tố lịch sử mới chính là thứ làm nên thành công cho tác phẩm này. Cũng như Trần Mai Hạnh, nhà văn Khuất Quang Thụy cũng là một người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, bối cảnh của Đối chiến. Trần Mai Hạnh nhìn cuộc chiến từ tài liệu của phía bên kia, Khuất Quang Thụy xây dựng một câu chuyện mà cả hai phe tham chiến đều hiện ra rõ ràng và khách quan trong phạm vi có thể. Trần Mai Hạnh bám sát lịch sử, Khuất Quang Thụy cũng thế, tên các đơn vị, các nhân vật lịch sử, các trận đánh, sự kiện… đều được tái hiện. Chỉ có một điểm khác biệt là Biên bản chi tiết cụ thể hơn, còn Đối chiến lại văn hoa hơn.
Một số tiểu thuyết lịch sử vừa được xuất bản
Đến Quân khu Nam Đồng
Quân khu Nam Đồng được đánh giá là một trong những tiểu thuyết viết về hậu phương thời chiến hay nhất trong đợt sách vừa qua.
Thực ra, Quân khu Nam Đồng được gọi là tiểu thuyết chỉ là một cách gọi cho dễ phân biệt. Chính tác giả cũng thừa nhận, cuốn sách là tập hợp các mẩu chuyện mà những con người từng sống ở khu tập thể Nam Đồng giai đoạn 1965 - 1971 kể lại. Mỗi người một ký ức, một hoài niệm… Tác giả Bình Ca chỉ đơn thuần là người tổng hợp và sắp xếp chỉnh sửa cho mạch lạc. Cả tác phẩm toàn là những “chuyện nhỏ”, những trò phá phách của đám thiếu nhi vắng bố mẹ, từ chuyện nghịch phá trong trường đến kết bè kết đảng đánh nhau, rồi yêu đương, giận hờn… Thế nhưng, ở giữa những “chuyện nhỏ” đó lại hiển hiện đầy sinh động một góc cuộc sống của hậu phương lớn thời đó. Nó là sự hy sinh mất mát khi “ngày nào, ở một căn hộ nào đó của tầng nào đó của nhà nào đó lại có tiếng gào khóc khi một gia đình nhận giấy báo tử”. Nó là cuộc sống chân thật khi người bố đưa con từ đồn công an về cũng không nỡ mắng khi bao nhiêu năm không thể chăm sóc con… Từ thành công của Quân khu Nam Đồng, nhiều người của thế hệ đó cũng đang rục rịch viết về họ, về những câu “chuyện nhỏ” làm nên một bức tranh lớn của một thời đại lịch sử.
Trong số những tác phẩm dựa vào lịch sử thì Me Tư Hồng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến có lẽ là tác phẩm gần tiêu chuẩn tiểu thuyết lịch sử nhất. Tác phẩm dựa trên nhân vật có thật trong lịch sử là cô Tư Hồng - người phụ nữ lập công ty đầu tiên ở xứ Bắc, người phá thành Hà Nội. Thế nhưng, không chỉ kể về một con người có thật trong lịch sử, mà thông qua đó, tác phẩm còn vẽ lại bức tranh Hà Nội một thời. Sự biến đổi không ngừng từ một thủ phủ phong kiến sang đô thị kiểu phương Tây của Hà Nội được miêu tả tỉ mỉ. Không gian truyện với những tên phố, tên đường, nhà cửa, kiến trúc, ăn ở, sinh hoạt, trang phục... được tác giả miêu tả một cách chính xác. Dĩ nhiên, do là một tác phẩm văn học nên tác phẩm cũng không thể thiếu sự hư cấu, đặc biệt trong vấn đề xây dựng tâm lý nhân vật. Tuy nhiên, với việc hầu hết các nhân vật trong truyện đều có thật, hoàn cảnh xã hội, sự kiện lịch sử, địa danh… đều là có thật nên nếu không để tâm kỹ rất dễ khiến người đọc lẫn lộn giữa thật và giả.
Có thể nói, dù là tiểu thuyết lịch sử bám theo các sự kiện lớn hay chỉ là lịch sử của những cá nhân nhỏ bé thì có một điều không thể phủ nhận là sau một thời gian vắng bóng, tiểu thuyết lịch sử đang trở lại với bạn đọc dưới một hình thức khác. Có cái nhìn phóng khoáng, đa chiều, các chi tiết lịch sử được tìm hiểu, trân trọng cùng cách thể hiện đa dạng và hấp dẫn hơn.
TƯỜNG VY