Nhằm đẩy mạnh quảng bá cho Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 của các tỉnh ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MTDA) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch Cần Thơ tổ chức chương trình quảng bá du lịch ĐBSCL tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đây là một trong những nỗ lực của ngành du lịch ĐBSCL nhằm kéo du khách về với miệt vườn sông nước.
Theo MTDA, gần đây thị trường khách miền Bắc có vai trò quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Chính vì lẽ đó, chương trình xúc tiến du lịch tại miền Bắc trong tháng 5 vừa qua đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp du lịch tại ĐBSCL ra phía Bắc, chủ yếu là giới thiệu nét đặc trưng du lịch sông nước miệt vườn. Theo ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, sau lần xúc tiến, quảng bá lần trước, số lượng du khách đến với du lịch Cần Thơ đã tăng đáng kể. Năm 2012, tổng số du khách đến với Cần Thơ hơn 1 triệu lượt, trong đó lượng khách đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc khá đông. Từ Cần Thơ, nhiều khách có thể đi đến các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL. Năm nay, việc đi lại có thuận lợi hơn, có chuyến bay trực tiếp Hà Nội - Cần Thơ, Hà Nội - Phú Quốc góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch cho cả vùng.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch MTDA cho biết, thời gian gần đây, 5 tỉnh trong vùng ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) đã kết hợp xây dựng sản phẩm du lịch “Một điểm đến, bốn địa phương+” với các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương. Bà Nguyễn Thị Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp, cho biết, sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách miền Bắc là sự trải nghiệm vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Điều đáng mừng là sau chương trình xúc tiến, đã có một số hợp đồng cung cấp dịch vụ từ doanh nghiệp du lịch ĐBSCL đã được ký kết tại chỗ với các doanh nghiệp du lịch miền Bắc và rất nhiều sự hứa hẹn liên kết, cung cấp dịch vụ đã được ghi nhận giữa doanh nghiệp du lịch của 2 vùng.
Để kích cầu du lịch lâu dài, các doanh nghiệp du lịch đề xuất các tỉnh cần liên kết xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Về lâu dài, cần quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch theo cách mỗi tỉnh, thành sẽ tập trung vào một mảng với những sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp, nhằm tạo sự đa dạng, hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách. Đặc biệt, đối với Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cần nhanh chóng xây dựng và phát triển thành thành phố du lịch biển đảo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế.
Từ nay đến năm 2020, ĐBSCL phát triển du lịch theo 4 cụm gồm: Cụm trung tâm thuộc 4 tỉnh, thành là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang; cụm bán đảo Cà Mau thuộc 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng; cụm duyên hải phía Đông thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh; cụm Đồng Tháp Mười có tỉnh Long An và Đồng Tháp.
Riêng Cần Thơ, nơi có số cơ sở du lịch nhiều nhất ĐBSCL sẽ tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng đang tăng nhanh.
LÊ PHƯƠNG
| |