Chạy theo giá cả
Gia đình bà Võ Thị Nga (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có tổng cộng 3.000 trụ tiêu nhưng đã bị chết khoảng 500 trụ. Bà dự định trồng xen cà phê vào phần đất có tiêu chết, chứ không dám trồng mới tiêu. “Trước kia tiêu còn dễ trồng, cứ thả xuống là lên ào ào. Nay trồng không dễ lên vì bệnh tật, trong khi giá thấp chỉ dao động khoảng 80.000 đồng/kg. Tôi không dám mạo hiểm trồng mới tiêu”, bà nói. Tương tự, ông Trần Xuân Thịnh (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) có vườn tiêu 2.200 trụ, trồng hơn 3 năm, nhưng hiện chỉ còn sống 23 trụ, ông Thịnh ủi đất tiêu chết để trồng bắp
Ngoài cây tiêu, hai cây trồng khác cũng từng được nông dân kỳ vọng có thể làm giàu là sachi và chanh dây. Khi người dân đua nhau phá cà phê để trồng hai loại này, thì chúng lại khiến họ lao đao. Ông Vốt, Trưởng thôn Brếp (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), buồn rầu nói: “Dân vỡ mộng làm giàu với cây sachi rồi. Giờ họ đã ngán, không chăm sóc, để chết khô luôn”. Theo ông Vốt, vào khoảng đầu năm 2016, nghe đồn quả sachi được mua với mức giá siêu lời 800.000 đồng/kg, người dân trong làng ồ ạt đi mua giống về trồng. Quá trình trồng, không ai mua hoặc mua giá chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Do không đủ chi phí đầu tư, dân để chết, giờ không ai trồng mới cây này nữa.
Cây chanh dây thì sau thời gian được thu mua với giá hơn 50.000 đồng/kg, nay tụt giá thê thảm khiến nông dân dần quay lưng. Đến vườn chanh dây 2 sào của anh Trơk (làng Dgor, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang), chúng tôi thấy vườn chanh dây quả đậu chi chít, phía dưới là cà phê vừa mới trồng. Anh Trơk cho biết, vào tháng 4-2016, nghĩ có thể làm giàu nhờ chanh dây nên anh lấy 2 sào đất trồng mì để chuyển sang trồng chanh. Giờ đây giá lại xuống thấp, chỉ còn 2.000 đồng/kg nên anh quyết định sẽ phá vườn để trồng cà phê.
Hướng đi nào cho nông dân?
Loay hoay tìm cây làm giàu nhưng thất bại, hiện nhiều nông dân không biết trồng cây gì. Ông Vốt cho biết: “Có vườn trồng 4-5 loại cây, gồm bơ, sachi, tiêu, cà phê, nhìn như nồi lẩu. Họ trồng để sau này cây nào có giá cao thì để lại, giá thấp thì chặt bỏ”. Anh Trần Đình Giang (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết, nhiều người tự mày mò, đi mua nghệ, đinh lăng về trồng… nhưng chưa biết hiệu quả thế nào. Riêng nhà anh trồng 2.000 gốc đinh lăng nhưng giờ chưa biết sẽ bán cho ai.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết: “Diện tích chanh dây vẫn nằm trong quy hoạch, còn sachi thì không, dân trồng tự phát… Những cây trồng chưa nằm trong quy hoạch hay còn gọi là “cây lạ” chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu ra thì dân không nên trồng. Người dân cần sàng lọc cây trồng cho hiệu quả chứ không nên ồ ạt trồng theo phong trào. Riêng hồ tiêu, người dân không nên trồng mở rộng mà cần tập trung chăm sóc diện tích hiện có”.
Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, việc sản xuất chạy theo giá là hết sức nguy hiểm... Kinh nghiệm cho thấy, đối với cây mới, có trường hợp người ta nâng giá trị ảo lên cao để bán giống, xong thì người bán đi mất, hoặc nghỉ bán, còn nông dân làm ra sản phẩm thì không bán được. Vì thế, trước một cây mới, nông dân cần tỉnh táo, cần kiểm tra xem cây trồng mới đã được cơ quan có thẩm quyền giới thiệu hoặc đưa vào cơ cấu, quy hoạch cây trồng hay chưa. Còn các nhà quản lý địa phương cần phải nắm được thông tin những loại cây có giá trị cao để định hướng nông dân chuyển đổi. Tất nhiên, một loại cây trồng mới phải gắn với thị trường tiêu thụ. Cũng cần định hướng nông dân trong việc xác định đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.