Do đó, chúng ta cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp nói chung và nông sản các địa phương nói riêng; chuyển từ tư duy số lượng, sản lượng sang chất lượng; chuyển từ sản lượng làm mục tiêu phấn đấu sang giá trị gia tăng.
Sản lượng càng nhiều không đồng nghĩa thu nhập tăng thêm nhiều mà ngược lại, vì vậy phải đi đúng quy luật. Về vấn đề này, địa phương cùng với Bộ NN-PTNT cần tính câu chuyện dài hạn hơn.
Báo cáo sơ bộ về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho thấy: Sản phẩm khoai lang có giá giảm dần từ giữa tháng 3 đến nay, hiện dưới giá thành sản xuất, gây khó khăn cho người trồng, không có thương lái đến thu mua khoai xuất khẩu như thời gian trước.
Diện tích khoai trong vụ đông xuân, đến kỳ thu hoạch trên đồng khoảng 400ha. Qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ, giá khoai có tăng hơn trước, trong đó khoai đẹp có giá 200.000 đồng/tạ (60kg), khoai quá lứa, khoai sô khoảng 90.000 – 100.000 đồng/tạ. Với mức giá này, người dân lỗ do giá thành sản xuất trung bình khoảng 300.000 đồng/tạ.
Ông Trần Hoàng Đông, Giám đốc Công ty Đông Phát Food cho biết: Lâu nay, sản phẩm khoai tươi thường xuất khẩu dạng tiểu ngạch nên gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn từ đầu năm đến nay.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Cần vận động tuyên truyền, thay đổi ý thức của người dân. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ hiểu đơn thuần là phân bổ, điều chuyển quy mô, tăng giảm nội ngành, mà đó là phải là hành trình chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, đổi mới phương thức, nâng cao nhận thức.
Bởi chúng ta không thể nào ấn định trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu mà Nhà nước chỉ đóng vai trò kết nối thị trường, cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ công nghệ chế biến thông qua hợp tác xã, để hợp tác xã đủ sức làm cầu nối với doanh nghiệp tiêu thụ.