Trong hai ngày 31-3 và 1-4, Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần thứ 4 sẽ diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ. Tăng cường an ninh toàn cầu về vật liệu hạt nhân, công nghệ và các cơ sở hạt nhân là những nội dung chính được thảo luận tại hội nghị lần này.
Vai trò của châu Á
Giới quan sát nhận định, có 3 lý do để châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hội nghị thượng đỉnh lần này đạt được các mục tiêu. Thứ nhất, trong những năm tới, các quốc gia tại khu vực sẽ đẩy mạnh phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Thứ hai, việc châu lục này mở rộng các chương trình, công nghệ vũ khí hạt nhân cũng sẽ là nguồn phổ biến vũ khí hạt nhân đầy tiềm năng. Cuối cùng, một số khu vực ở châu Á như Nam Á, phải đối mặt với thách thức từ đe dọa khủng bố, kết hợp với các cơ sở hạt nhân dễ bị tổn thương sẽ khiến cho những khu vực này là đích ngắm của khủng bố hạt nhân.
Nhìn chung, châu Á đã có những đóng góp tích cực trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề an ninh hạt nhân. Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực đã hỗ trợ các công việc của các hội nghị thượng đỉnh trước đó. Trong khi, Trung Quốc thể hiện sẵn sàng hợp tác song phương với Mỹ trong nỗ lực bảo vệ vật liệu hạt nhân dân sự. Mặc dù vậy, hội nghị lần này cũng chưa được trọn vẹn như mong muốn, khi Nga đã quyết định không tham gia. Trong khi đó, cho dù Ấn Độ và Pakistan đều nhất trí cải thiện hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, chú trọng bảo vệ các thiết bị và cơ sở hạt nhân nhưng việc cả lãnh đạo của Ấn Độ và Pakistan vẫn còn miễn cưỡng hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân khiến dư luận quốc tế vẫn chưa thật sự yên tâm.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên
Theo Tiến sĩ Gary Samore, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer của Đại học Harvard, đây chỉ là một trong nhiều chủ đề của chương trình nghị sự tại hội nghị lần này. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý các mối đe dọa hạt nhân cùng những hành động khiêu khích của Triều Tiên chắc chắn sẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu, trong cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như cuộc họp ba bên giữa Tổng thống Mỹ với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên được cho là vào tháng 2-2016
Sau vụ thử hạt nhân gần nhất của Triều Tiên vào tháng 1-2016, Liên hiệp quốc đã đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh nhất dành cho Triều Tiên từ trước đến nay. Dù các biện pháp trừng phạt không có khả năng buộc Triều Tiên đến bàn đàm phán nhưng chúng phản ánh được mức độ thống nhất của cộng đồng quốc tế trong việc phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng của Triều Tiên.
Giới quan sát nhận định, việc Trung Quốc không còn “bênh vực” Triều Tiên được xem là một thuận lợi trong việc giải quyết nhiều vấn đề khó trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm mức độ sẵn sàng của Trung Quốc trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hay Mỹ sẽ thay đổi điều kiện tiên quyết gì để đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Khoảng 56 quốc gia và tổ chức sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần thứ 4 tại Washington, Mỹ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị. Nga tẩy chay hội nghị lần này do những bất đồng với Mỹ và châu Âu liên quan đến vấn đề Ukraine. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)