Tìm giải pháp đúng, trúng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giám sát và phản biện xã hội

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Đó phải là những người không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Sáng 12-5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với sự chủ trì của các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Tìm giải pháp đúng, trúng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giám sát và phản biện xã hội ảnh 1 Đồng chí Lê Tiến Châu phát biểu kết luận tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người làm công tác giám sát phải không bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách. 

Cũng theo đồng chí, Văn kiện Đại hội XIII và nhiều văn bản của Đảng thời gian gần đây tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh yêu cầu phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về kinh tế - xã hội liên quan đến đời sống nhân dân. Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác và triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. 

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều với nhiều hạn chế, tồn tại.

Đồng chí Lê Tiến Châu thông tin, năm 2022, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã kiến nghị và được sự đồng ý của Ban Bí thư về việc xây dựng và ban hành Chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ thị nhằm tiếp tục góp phần tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, tạo sự chuyển biến, đổi mới về chất trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Với mục tiêu đó, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam triển khai tổ chức hội thảo tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để lắng nghe các hiến kế, đề xuất, tìm ra những giải pháp đúng, trúng và hiệu quả để xây dựng nội dung dự thảo chỉ thị trình Ban Bí thư.

Đồng chí Lê Tiến Châu đánh giá, các ý kiến tại hội thảo rất tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng. Đa số các ý kiến đều tán thành cao về sự cần thiết tham mưu Bộ Chính trị ban hành chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó đề xuất tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Theo đó, cần quán quán triệt sâu sắc và thực chất nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội trong việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Một số ý kiến cho rằng, bí thư cấp ủy các cấp ở địa phương nên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội

Song song đó, quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Đó phải là những người không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, cần có cơ chế tài chính phù hợp, hiệu quả để huy động đông đảo trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cũng thông tin, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội, trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của nhân dân. Xây dựng, bổ sung các quy định cụ thể các vấn đề, nội dung cần thiết phải có giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết và có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội và người dân quan tâm. Cùng với đó, phải quy định cụ thể về thời gian gửi hồ sơ, tài liệu đến chủ thể phản biện; cơ chế tiếp thu, giải quyết và trả lời các kiến nghị sau giám sát.

Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân cùng tham gia giám sát

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung trong tổ chức, thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, từ năm 2013-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tại TPHCM đã tổ chức 3.236 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm, bức xúc. Nhiều kiến nghị sau giám sát được tiếp thu và phản hồi, góp phần tạo niềm tin cho nhân dân; nhiều vi phạm đã được kiến nghị xử lý, góp phần hạn chế tiêu cực ở cơ sở trên nhiều lĩnh vực.

Tìm giải pháp đúng, trúng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giám sát và phản biện xã hội ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp đánh giá, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của hệ thống MTTQ các cấp tại TPHCM còn chưa bài bản, còn lúng túng. Một số nơi tổ chức nhiều đoàn giám sát trong năm có nội dung trùng lắp với các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền khác dẫn đến quá tải cho đối tượng được giám sát. 

Đồng thời cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TPHCM nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, cấp ủy các cấp chỉ đạo chính quyền tạo điều kiện cho MTTQ và nhân dân giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương. Ban hành cơ chế đảm bảo nguồn lực cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chỉ đạo giải quyết những vấn đề kiến nghị, phản ánh của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và trả lời kết quả giải quyết theo quy định. Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi để đại diện của nhân dân cùng tham gia giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp thành phố. 

Theo đại diện diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, nhìn chung, các quy định, hướng dẫn về công tác giám sát, phản biện xã hội của Trung ương được quy định khá đầy đủ. Các hình thức cũng như quy trình về giám sát và phản biện xã hội được Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn rõ ràng, chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác giám sát và phản biện xã của tỉnh Cà Mau vẫn còn một ít bất cập như, công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mang tính nhân dân, giám sát không chế tài, ràng buộc thực hiện, trách nhiệm giám sát chưa cao, vì vậy cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân sau giám sát, cần thiết có quy định chế tài xử lý. Ngoài ra, công tác phản biện xã hội ở nhiều nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần có văn bản chị đạo thực hiện để nâng cao chất lượng phản biện trong thời gian tới.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp tham luận cũng cho rằng, cần thiết đề nghị Ban Bí thư mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để làm thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Phải tư duy nhiều hơn về cấp cơ sở, những việc trong thẩm quyền của mặt trận cơ sở. Cùng với đó là gắn với xây dựng Đảng, lắng nghe trong công tác phản biện, giám sát. Quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có đủ khả năng.

Mặt trận và nhân dân giám sát là giúp phòng tránh nguy cơ tham nhũng, quan liêu

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, mặt trận và nhân dân giám sát là giúp phòng tránh nguy cơ tham nhũng, quan liêu. Chế tài về công tác giám sát, phản biện mặc dù không được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc nhưng luật pháp nhà nước có quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận và nhân dân. Do đó, cần thực hiện nguyên tắc Mặt trận giám sát nhưng Đảng và chính quyền chế tài trong hệ thống của mình.

Tìm giải pháp đúng, trúng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giám sát và phản biện xã hội ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Tôi cho rằng cần có quy chế mẫu về phối hợp cấp ủy, HĐND, UBND TPHCM ở địa phương trong công tác giám sát tại địa phương, trong đó làm rõ trách nhiệm công tác lãnh đạo của Đảng. Hàng năm, cấp ủy các cấp phối hợp với Mặt trận để thực hiện công tác sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Đồng thời đề xuất cần quan tâm, chăm lo cho người làm công tác giám sát, phản biện. Có thể luân chuyển, điều động cán bộ theo dạng biệt phái, đưa những đồng chí có kiến thức về pháp luật, kinh nghiệm về một số ngành nghề đặc thù: đất đai, môi trường… sang công tác tại các ban Mặt trận để nâng chất đội ngũ làm công tác giám sát, phản biện và coi đó là một quy trình trong công tác quy hoạch cán bộ. 

Đồng thuận với ý kiến của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cấp ủy cần bố trí cán bộ xứng tầm làm công tác kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, cần quan tâm đến cách thức để người dân thực hiện quyền của mình với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Tìm giải pháp đúng, trúng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giám sát và phản biện xã hội ảnh 4 Đồng chí Huỳnh Đảm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dưới góc độ của chuyên gia, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề cập đến việc cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Ở đó, xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của tổ chức và đảng viên đối với hoạt động giám sát và cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát. Đặc biệt, cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật giám sát và phản biện xã hội MTTQ Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục