Còn không ít rào cản
Theo một cán bộ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trở ngại hàng đầu làm các nhà đầu tư thiếu mặn mà là sự phức tạp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Vấn đề này làm thời gian thi công dự án thường kéo dài gấp đôi, có khi gấp 3 lần thời gian quy định (theo từng nhóm dự án). Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả đầu tư, khiến dự án kém hấp dẫn nhà đầu tư. Cụ thể hơn, ở hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư), hiệu quả triển khai còn chưa như kỳ vọng, do nhiều nguyên nhân. Trước hết, chi phí dành cho công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng ở những dự án giao thông thường chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, phần lớn các dự án loại này có tổng mức đầu tư khá lớn; nếu ngân sách không hỗ trợ phần đền bù và giải tỏa mặt bằng thì khó kiếm được nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính cũng như khả năng hoàn vốn. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có liên quan giữa hình thức đầu tư PPP với các quy định pháp luật khác (nhất là quy định pháp luật về đất đai, quản lý tài sản công) còn thiếu thống nhất và đồng bộ; pháp luật về xây dựng và đầu tư thường xuyên thay đổi, gây ảnh hưởng tới việc thực hiện thủ tục đầu tư, khó khăn trong việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp. Không những vậy, các hướng dẫn tiếp theo cũng thường được ban hành chậm và thiếu đồng bộ, gây lúng túng trong việc áp dụng, làm kéo dài thủ tục đầu tư do phải xin ý kiến từ nhiều cấp có thẩm quyền…
Ở góc độ chung, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng, công tác huy động vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển ở thành phố vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Nhiều ngành, đơn vị còn chưa quan tâm đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư, chưa chủ động kêu gọi đầu tư, thiếu quyết liệt triển khai công tác xúc tiến đầu tư, mà còn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Phần lớn các nhà đầu tư quan tâm hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong khi quỹ đất của thành phố không còn nhiều và chi phí đền bù, giải tỏa mặt bằng cũng rất cao, nên hình thức BT sẽ ngày càng khó khả thi. Việc đầu tư theo phương thức PPP vẫn còn gặp những khó khăn về ưu đãi tiền thuê đất, sử dụng đất; chỉ định nhà đầu tư; cơ chế thanh toán theo hợp đồng BT… Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động, các đơn vị sự nghiệp công lập còn thụ động, dựa dẫm vào ngân sách, chưa phát huy hết năng lực và khả năng sáng tạo. Từ đó, việc sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng xã hội hóa của các đơn vị công lập còn chậm chạp và gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc khai thác tiềm năng các cơ sở vật chất của một số đơn vị này cũng không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Để thực hiện có hiệu quả công tác huy động vốn đầu tư phát triển trong xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đưa ra nhiều nhóm giải pháp. Trước hết, cần phát huy hết mức các nguồn lực để huy động vốn từ ngân sách, như nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước; nguồn thu từ việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước… Bên cạnh đó, triển khai và đa dạng hóa các hình thức vay nợ, như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay các tổ chức tài chính và tín dụng, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Còn đối với nhóm giải pháp về huy động nguồn lực từ đất, cần xây dựng danh mục quỹ đất (rà soát, phân loại quỹ đất) để đề xuất phương án xử lý, sử dụng cụ thể cho các dự án BT; nghiên cứu và triển khai thực hiện các hình thức tạo vốn từ việc gia tăng giá trị đất.
Ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng TPHCM cần tạo ra được môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, có nhiều cơ hội làm ăn hơn. Thành phố nên thực hiện nhất quán nguyên tắc “Gia tăng nguồn thu ngân sách thông qua thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. Khi nhiều doanh nghiệp được thành lập, mở rộng quy mô và tăng hiệu quả kinh doanh thì chắc chắn nguồn thu của ngân sách sẽ tăng lên một cách bền vững. Trong đó, mặt bằng sản xuất, kinh doanh đang là trở ngại lớn đối với nhiều doanh nghiệp khi chi phí thuê mặt bằng ở TPHCM cao hơn nhiều so với các địa phương lân cận. Do vậy, hiện nay, dòng vốn đầu tư ra ngoài TPHCM nhiều hơn dòng vốn đầu tư vào thành phố. Vì thế, thành phố cần vận dụng cơ chế đặc thù liên quan quyết định sử dụng đất để quy hoạch lại mặt bằng, tạo quỹ đất cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, cần minh bạch các thủ tục đầu tư, triệt tiêu các chi phí không chính thức, cương quyết xử lý nghiêm nạn nhũng nhiễu… Còn theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, trên tinh thần Nghị quyết 54, thành phố cần sớm xác định danh mục các hàng hóa và dịch vụ cần nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt không vượt quá 25% mức thuế hiện hành, để định hướng tiêu dùng xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch các thông tin về đầu tư công; ban hành cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ở các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách.
Để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư, thành phố cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ chế, chính sách về xã hội hóa đầu tư; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu phát triển mới… Riêng ở lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, theo các chuyên gia giao thông, thành phố nên chủ động tạm ứng ngân sách để triển khai việc thu hồi và tổ chức đấu giá một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng có giá trị lớn, để tạo vốn đầu tư. |