Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh: “Mục đích của hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận các kinh nghiệm, giải pháp trong công tác quy hoạch cao độ nền và thoát nước chống ngập có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu. Từ đó, tiếp thu kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà tư vấn, cá nhân hoạt động xây dựng có thể áp dụng với định hướng phát triển đô thị của TP, đảm bảo tính khả thi và bền vững. Cụ thể, tập trung vào 2 nội dung chính là “đánh giá hiện trạng, tình hình thực tế về vấn đề ngập liên quan đến cao độ nền khống chế theo quy hoạch” và “đề xuất phương hướng nghiên cứu, định hướng chiến lược quy hoạch, giải pháp quy hoạch cao độ nền”. Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia ở 2 nội dung này, Sở QH-KT sẽ đánh giá, tổng kết, lập và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị tại TP nhằm kiểm soát tình hình ngập hiệu quả, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất công tác quy hoạch trong giai đoạn mới”.
Hội thảo đã được nghe các nhà nghiên cứu báo cáo đề tài về giải pháp thoát nước, chống ngập tại TPHCM, đó là: Vai trò của quy hoạch trong việc giải quyết tình trạng chống ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP; thực trạng thoát nước và phòng chống ngập úng đô thị, cao độ nền xây dựng và những thách thức từ quy hoạch đô thị đến quản lý xây dựng theo quy hoạch, quy hoạch đô thị chống ngập lụt thích ứng với biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu đến tình trạng thoát nước và kiến nghị công tác giải quyết ngập lụt trong đô thị, quy hoạch và quản lý cao độ nền đô thị theo định hướng thoát nước bền vững, quản lý thoát nước trong các dự án phát triển bất động sản tại TP…
Số liệu đầu vào phải chuẩn
Tại hội nghị, hàng loạt vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học nêu ra như cốt nền cụ thể cho từng quận huyện, từng khu vực, từng tuyến đường là bao nhiêu, dự đoán lượng mưa trong vòng 5 đến 10 năm là bao nhiêu, độ lún của nền đất… Việc xác định cao độ nền xây dựng nhằm bảo đảm thoát nước mặt, góp phần bảo vệ an toàn cho các công trình xây dựng tại đô thị, quyết định việc phòng chống ngập úng, tạo sự phối hợp hợp lý giữa nền và hệ thống đường đô thị, sự kết nối giữa các công trình đường dây, đường ống và đường giao thông… Ngoài ra còn góp phần quan trọng trong các giải pháp về tổ hợp không gian và tổ chức mặt bằng các công trình kiến trúc với nền đất xây dựng.
Về các giải pháp, TS Võ Kim Cương lưu ý, nếu số liệu ban đầu không đúng thì có quy hoạch hay đến mấy cũng không giải quyết được bài toán ngập nước. Hiện có quá nhiều trận mưa rất lớn (250mm); vì vậy, cần xây dựng kịch bản với số liệu chính xác mới xác định được xây dựng hệ thống cống. Còn TS Phan Sỹ Châu cho rằng, quy hoạch là tiền đề để các nước trên thế giới làm hệ thống thoát nước, còn TPHCM đang làm ngược lại. Vì vậy, muốn chống ngập bền vững thì khâu quy hoạch đô thị phải đi trước. Để làm tốt quy hoạch, cần làm rõ chuyện bất hợp lý giữa độ vênh của cao độ mặt nước và cao độ mặt đất, tính toán giữa hệ thống thoát nước cũ và mới, số liệu đầu vào phải chuẩn… Liên quan đến cao độ, nhiều chuyên gia cho rằng, chống ngập bền vững cần phải có bản đồ về hiện trạng cao độ của các tuyến cống và cao độ mặt đất. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu không có giải pháp bền vững thì việc nâng đường chống ngập như thời gian qua là không khả thi.
Sau khi nghe hàng loạt vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học nêu ra, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Văn Tám đã cảm ơn và cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến để phục vụ điều chỉnh quy hoạch hệ thống thoát nước và cốt nền trên địa bàn TP trong thời gian tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đo một số mốc để khi duyệt dự án xây dựng, căn cứ vào một số mốc này. Cụ thể, theo mốc mới hiện nay là 1,2,3. Mực nước tính toán trên những cửa xả 1,67m thì phải tính toán lại trong điều kiện biến đổi khí hậu, chọn vũ lượng mưa như thế nào để xác định xây dựng hệ thống thoát nước trong tương lai, dự báo mưa lớn chỗ nào ngập và xử lý như thế nào... Từ đó đưa ra các giải pháp chống ngập cụ thể để đáp ứng tiêu thoát nước trong tương lai.
Phát biểu hội nghị, ông Nguyễn Đình Hưng cho biết, sẽ tổng hợp tất cả ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thành những nhóm cụ thể để báo cáo UBND TP có ý kiến xử lý. Tất cả góp ý, đề xuất, nhất là vấn đề lún, biến đổi khí hậu phải đưa vào đề án quy hoạch sắp tới. Cụ thể, số liệu đầu vào, độ tin cậy số liệu còn nhiều vấn đề bất cập. Vì vậy, lập được quy hoạch số liệu phải chính xác và có tính pháp lý, nghĩa là cụ thể hóa pháp lý số liệu trước khi quy hoạch.