Tìm “món ngon” cho du khách

TPHCM là nơi tập trung nhiều điểm biểu diễn và chương trình nghệ thuật đặc sắc, đa dạng, phong phú về loại hình nghệ thuật. Bên cạnh các chương trình nghệ thuật quy mô lớn, những dịp lễ lạt phục vụ đại chúng, còn có các chương trình mang tính nội bộ, quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu riêng từng bộ phận khán thính giả.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, nhất là từ các đơn vị xã hội hóa, nhưng các chương trình nghệ thuật trên địa bàn TPHCM hiện vẫn chưa thật sự đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước về chất lượng, nội dung lẫn số lượng chương trình. Một khảo sát đáng quan tâm của các đơn vị lữ hành đưa ra: trong số 100 du khách nước ngoài đến TPHCM, chỉ có 4 khách chọn xem biểu diễn nghệ thuật! Chưa thật sự có “món ngon” về văn hóa tinh thần để du khách lựa chọn hay quá khó để tìm “món ngon” phục vụ khách du lịch, là câu nói cửa miệng của nhiều ban ngành liên quan khi đề cập đến câu chuyện vốn đã được đề cập từ rất lâu nay. Vì sao? Phía đơn vị tổ chức dịch vụ lữ hành đưa ra khá nhiều lý do: Nội dung các chương trình chưa phù hợp với thị hiếu của du khách khi đến Việt Nam; chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch mà làm quá hàn lâm, nặng nề và thiếu tính giải trí; điểm diễn không ổn định; giá vé còn cao...

Còn các nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì tâm tư rằng các chương trình nghệ thuật đích thực xây dựng cho du lịch TPHCM đều không thể thành hiện thực vì không có sân khấu trình diễn, không có nhà đầu tư. Ngay như Square Group - đơn vị sản xuất chương trình À Ố show tạo được tiếng vang và đã lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, được gần 20 đơn vị lữ hành hợp đồng đưa khách đến xem chương trình, cũng phải than thở rằng đầu tư một chương trình mất khoảng 20 tỷ đồng nhưng giá vé bán cho du khách thấp nên thu không đủ bù chi. Năm đầu tiên thực hiện chương trình, đơn vị này đã phải bù lỗ đến 6 tỷ đồng. Đến nay, dù được đánh giá là đã tạo dựng được “thương hiệu“, nhưng À Ố show cũng mới chỉ có doanh thu chứ chưa thu hồi vốn, trong khi các nghệ sĩ phải tự nuôi sống, tập luyện và phải làm mới liên tục. Ngoài ra, chương trình còn gặp khó khăn rất lớn do không chủ động được mặt bằng biểu diễn, dù đã có hợp đồng diễn tại Nhà hát Thành phố nhưng có thể bị lấy lại điểm diễn bất cứ lúc nào! Nghệ sĩ Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM, cũng bức xúc không kém: “Đối với vị trí trung tâm là Nhà hát Thành phố, UBND TPHCM và Sở Du lịch phải có kế hoạch chuẩn bị và báo trước để các đơn vị tổ chức chúng tôi không bị động. Vừa rồi, đoàn Nhật Bản thông qua trung tâm ký hợp đồng trước một năm để trình diễn một vở opera, đột ngột khi đoàn chuẩn bị sang thì TP lấy nhà hát phục vụ chương trình khác, làm chúng tôi chỉ còn biết… khóc”.

Việc xây dựng một trung tâm biểu diễn quy mô lớn đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi các nhà đầu tư chưa mạnh dạn nhảy vào lĩnh vực này, hầu hết các nhà hát xây dựng chỉ ở quy mô nhỏ hoặc thuê mượn địa điểm nên không ổn định, chất lượng nghệ thuật hạn chế. Và không phải không có cơ sở khi có ý kiến cho rằng TPHCM mới là điểm chuyển tiếp chứ chưa thật sự là điểm đến về văn hóa đối với du khách. Đề án xây dựng Nhà hát giao hưởng và vũ kịch TP hay rạp xiếc đa năng... đến nay vẫn chỉ là niềm mong mỏi.

Để nghệ thuật phục vụ du lịch TPHCM phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần sự hợp tác, ngồi lại với nhau của nhà sản xuất chương trình nghệ thuật, nhà tổ chức dịch vụ lữ hành và vai trò cầm trịch không thể thiếu của quản lý nhà nước. Quyết tâm đi đến cùng, sẽ tìm được giải pháp thỏa đáng! Nhưng trên tất thảy, đó là đầu tư cho văn hóa trước hết cần phải nghiêm túc, xuất phát từ niềm tự hào về lịch sử văn hóa dân tộc trước khi bàn đến yếu tố lợi nhuận.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục