San Marino đã có mặt trong các kỳ vòng loại giải vô địch châu Âu hoặc World Cup được gần 16 năm nay. Trận đấu với Đức vào đêm 6-9 đã cho thấy xứ sở bé nhỏ với 30.000 dân này tiến bộ như thế nào trong bóng đá: Đội bóng gồm những cầu thủ nghiệp dư của San Marino thua Đức 0-13. Một kết quả kỷ lục trong các kỳ Euro. Theo cách ví von của cây bút Simon Evans (hãng thông tấn Reuters), 13 bàn thắng của đội tuyển Đức cũng là 13 lý do để UEFA củng cố lại các chiến dịch vòng loại, làm sao dạt ra bớt những đối thủ quá yếu.

Tiền đạo Podolski (áo trắng) trong trận đấu với CH Ailen hôm thứ Bảy. Khác hẳn trận đấu với San Marino, Đức chỉ thắng Ailen được 1-0.
Nếu có gặp những đối thủ yếu hơn Đức rất nhiều thì San Marino cũng không đủ khả năng giành được một trận hòa chứ chưa nói đến thắng lợi. San Marino chưa bao giờ có nổi một điểm trong các kỳ vòng loại Euro. Trên thực tế, trước khi San Marino gặp Đức trên sân Serravalle... bé xíu, mối băn khoăn duy nhất chỉ là Đức sẽ thắng bao nhiêu bàn.
Hầu hết các đội khác đều lơi chân sau khi ghi được 4 hoặc 5 bàn vào lưới San Marino. Còn người Đức thì cương quyết đá thật lòng cả 90 phút. Con số 13 bàn của họ phản ánh rõ nhất sự cách biệt về trình độ giữa đôi bên và là một cách nhắc nhở UEFA về chỗ đứng của San Marino hiện thời.
Nhưng không chỉ có San Marino. Andorra cũng đã thua sạch trong tất cả những lần tham gia các giải đấu chính thức của UEFA. Thành tích của Malta, Liechtenstein và Faroe thì chỉ hơn một chút. Theo cây bút Simon Evans của Reuters, chắc chắn đây là lúc cần phải xem xét lại chất lượng của giải đấu qua những trận cầu quá chênh lệch như vậy, bởi những trận đấu ấy chẳng mang lại lợi lộc gì, và chẳng bõ công tập hợp các cầu thủ hàng đầu để đá với các cầu thủ nghiệp dư trong những trận đấu chắc chắn sẽ có tỷ số cách biệt lớn.
Dư luận gợi ý: Sẽ tốt hơn nếu các đội tuyển yếu nhất châu Âu phải tiến hành trước với nhau một vòng loại sơ bộ, để từ đó chọn ra những đội tương đối đủ sức mạnh tham gia các bảng vòng loại như hiện thời. Giống như Champions League lâu nay vậy. Mọi CLB vô địch ở các quốc gia đều có quyền tham dự. Nhưng qua 3 đợt vòng loại sơ bộ, những đội bóng yếu hơn được sàng lọc dần dần cho đến khi còn lại 32 đội mạnh nhất cho vòng đấu bảng. Có thể vẫn còn chút thiếu sót, sai lệch nào đó, nhưng ít ra thể thức ấy cũng tạo nên một cái nền chất lượng cho mùa bóng.
Tất nhiên là những đội tuyển bé nhỏ ở châu Âu có toàn quyền bảo vệ quyền lợi của họ. Là một thành viên chính thức của UEFA và là những quốc gia độc lập, họ phải được bình đẳng như các đội khác. Khi được hỏi về vấn đề này, HLV đội tuyển San Marino Gianpaolo Mazza đã đáp như sau: “Chúng tôi là một đất nước bé nhỏ, nhưng chúng tôi có quyền đứng trong giải đấu vòng loại UEFA như bất kỳ quốc gia nào khác”.
Họ có quyền. Và sẽ thật bất công nếu các đội tuyển nhỏ bị đẩy ra ngoài, hoặc bị hoàn toàn phớt lờ. Nhưng chắc chắn phải có một giải pháp nào đó vừa mở cửa cho tất cả các đội tham dự, vừa bớt được những trận đấu vô nghĩa.
Một thỏa hiệp: Trước khi chiến dịch vòng loại Euro bắt đầu, có thể tổ chức một giải đấu nhỏ quy tụ những đội tuyển không có hy vọng góp mặt ở các cuộc tranh tài đại quy mô. Giải đấu mini ấy sẽ mang lại nhiều niềm vui và giải thưởng dành cho người thắng cuộc là chiếc vé tham gia một trong những bảng vòng loại. Những cầu thủ của San Marino hay Andorra sẽ thu thập được nhiều điều bổ ích khi gặp những đối thủ có trình độ tương đồng, họ sẽ có dịp tấn công hoặc phòng thủ đâu ra đó trong những trận cầu mà họ thực sự có cơ hội thắng.
Cái cốt lõi là ở chỗ đó. Cảm giác bại trận chẳng bao giờ thích thú, nhất là khi bại trận ở một tỷ số kỷ lục như San Marino. Trận cầu 13-0 vào đêm 6-9 vừa rồi là trận thua nặng nhất của San Marino từ trước đến nay và tất nhiên tên tuổi của thủ thành Aldo Simoncini đã bị ghi vào một trang sử đen tối.
Trái ngược hoàn toàn với thủ thành Đức Lehmann. Trước khi tiền vệ Bern Schneider thực hiện quả phạt đền ở phút thứ 89 để ghi bàn thắng thứ 13, chẳng phải Lehmann đã chạy một lèo từ đầu sân bên kia, định giành quả 11m đó hay sao?
Hưng Nguyên (theo Reuters)