
Lặng lẽ gần 3 năm, anh chỉ đau đáu một điều: đi xác minh lý lịch để làm sổ hộ khẩu cho những trẻ bất hạnh - một công việc không ai trả lương nhưng vui. Với anh, “khoản lương” hậu hĩ nhất được nhận chính ánh mắt ngời sáng tương lai của những đứa trẻ khi cầm trên tay sổ hộ khẩu. Anh là Phan Hạnh, 47 tuổi, cán bộ của gia đình số 3 thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng.
Những đứa trẻ không biết quê hương
Ở Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng, hiện có hơn 700 em có hoàn cảnh như vậy; trong đó có 150 em được nuôi tập trung tại 5 đại gia đình. Tôi lần dở những trang hồ sơ ghi ngày “nhập” trung tâm của các em: 700 em là bảy trăm dấu hỏi nghiệt ngã mà tôi chắc sau này khi đã trưởng thành chính bản thân các em cũng khó tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Những đứa con bên bố Hạnh (thứ sáu từ trái sang) tại gia đình số 3 (Trung tâm Bảo trợ trẻ em thành phố Đà Nẵng).
Nguyễn Thị Thảo, ba đau tim, mẹ hay đau ốm, chị đầu của 8 đứa em; Nguyễn Vân Anh, cha bị bại liệt, mẹ chết do bệnh; Nguyễn Văn Chinh, cha chết bệnh, mẹ đau yếu; Ngô Văn Cư, không có cha, mẹ bị câm; Nguyễn Thị Thùy Dương, cha mẹ ly dị; Nguyễn Thị Minh Dưỡng, cha tâm thần bỏ đi, mẹ đau yếu; Nguyễn Bảo Ngọc, cha mẹ ly dị; Hồ Thanh Nhơn, cha bị tù vì tội ngộ sát; một số em khác thì cha chết vì bệnh AIDS, cha chết vì tai nạn giao thông, cha tàn phế bán vé số…
Mỗi em một cảnh nhưng hình như đều có một điểm chung là rất mơ hồ về nơi sinh ra mình - quê hương. Một số em biết nhưng giấu biệt vì sợ nói ra sẽ bị “trục xuất” về địa phương.
Hai chị em Vân Anh và Thanh Tùng (gia đình số 2) đứa 15 tuổi, đứa 9 tuổi nhưng chưa một lần thấy mặt cha mẹ. Khuôn mặt u buồn, Vân Anh nghẹn ngào kể: con vào đây đã 3 năm, khi chưa vào trung tâm, hai chị em với một manh chiếu, phải ngủ từ vỉa hè này qua vỉa hè khác, nóng nực, ruồi, muỗi, lạnh buốt…
Cùng cảnh ngộ với Vân Anh, Nguyễn Thị Minh Dưỡng 18 tuổi, kể về hoàn cảnh gia đình: ba con bị tâm thần, mỗi lần lên cơn là đánh đập, chửi mắng mẹ, con. Một đêm thức dậy con không thấy ba đâu nữa. Ba bỏ nhà đi, mẹ đau ốm liên miên, nhà nghèo, con trở thành trẻ lang thang, cơ nhỡ.
Xoa dịu những nỗi đau
Bước khởi động của Đà Nẵng nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau cho những trẻ bất hạnh là thành lập Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố. Cùng lúc, Đà Nẵng thực hiện chủ trương “5 không”, trong đó quán triệt “không có người lang thang xin ăn”. Để tìm đưa những đối tượng lang thang cơ nhỡ vào Trung tâm bảo trợ không dễ, đặc biệt là với thanh thiếu niên.
Vì vậy, các cán bộ, nhân viên của trung tâm phải lặn lội đến tận các cảng cá, đi dọc các vỉa hè, lề đường, các khu nhà ổ chuột… nơi nào có trẻ lang thang, cơ nhỡ, không gia đình là đón các cháu về. Đón về rồi nhưng nhiều cháu còn tìm cách bỏ trốn vì chưa quen sự gò bó. Dần rồi các em cũng hiểu và những dấu hỏi về số phận mình bắt đầu được đặt ra: Ai sinh ra? Đâu là quê hương? Tương lai sẽ ra sao? Những câu hỏi ấy của các em đã thôi thúc anh Phan Hạnh quyết định tìm về quê hương các em để xác minh lý lịch.
Cuốn sổ hộ khẩu tập thể ban đầu của 10 em mà anh làm được là kết quả của những cuộc hành trình không đơn giản. Hôm gặp tôi, anh trầm ngâm: đi nhiều, nhưng gian truân nhất có lẽ là chuyện của Võ Chí Thanh. Mẹ của Thanh ở xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam); trong kháng chiến chống Mỹ, quen và có mang với một anh bộ đội. Thanh là đứa con sinh rơi trên đường và chẳng biết mặt cha.
Khi về Đại Hồng xác minh lý lịch của Thanh, công an xã không đồng ý ký hồ sơ vì lý do liên quan đến nhân thân của mẹ. Anh ấm ức lắm khi kể lại chuyện này: “Mình làm công tác xã hội nhưng khi đến gặp công an xã bị đuổi như đuổi tà. Định bỏ về nhưng nghĩ đến tương lai của các cháu nên “nhịn”, quay lại vào tận nhà đại diện công an xã nhưng không gặp.

Để có tờ giấy chứng nhận này, anh Phan Hạnh phải bỏ ra cả tháng trời lặn lội đi xác minh.
Ra ruộng bắp mới gặp nhưng lại bị lăng mạ nữa. Ông bà ta có câu “một điều nhịn, chín điều lành” nên tôi nói hết lẽ, sau đó công an xã mới ký nhưng là xác nhận… không cư trú trên địa bàn xã”. Trường hợp khác là của Nguyễn Thế Tuấn, chỉ vì cái đường ray xe lửa mà “tiêu” của anh mất cả tháng. Nguyên quán Tuấn ở Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam) nhưng sinh ở Sài Gòn, sau theo mẹ sang Thái Lan; mẹ bị bắt và cha Tuấn cũng bị bắt vì vi phạm pháp luật.
Tuấn cù bơ, cù bất trên đất người, làm thuê, làm mướn lấy tiền trốn về Đà Nẵng trở thành trẻ lang thang, xin ăn… Ban đầu, Tuấn nói là ở Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), 5 lần 7 lượt anh đến Hòa Tiến “mò mẫm” mãi, hỏi thăm từ người dân đến chính quyền xã nhưng không ai biết.
Quay về, Tuấn lại nói ở Điện Hòa, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Anh lại “lội” tới, lần này thì “mò” ra. Nhưng té ngửa, Hòa Tiến và Điện Hòa chỉ cách nhau có một đường ray xe lửa và ranh giới để tìm thấy hoặc không thấy cái lý lịch của Tuấn cũng chỉ cách nhau có thế.
Anh Phan Hạnh tâm niệm rằng: “Chúng nó cũng như con mình nên phải hết lòng lo cho chúng. Niềm vui của bọn trẻ khi cầm trên tay tấm giấy chứng nhận nhân khẩu là món lương hậu hĩ nhất mà tôi được trả”. Võ Chí Thanh ở gia đình số 3 là một trong 30 em được nhận sổ hộ khẩu đầu tiên.
Lần đầu thấy mình có “danh phận”, em cầm sổ hộ khẩu mà rưng rưng nước mắt: có hộ khẩu, em sẽ làm chứng minh nhân dân. Giấy CMND sẽ giúp em tự tin khi hòa nhập cộng đồng, xã hội, bởi em đã là một công dân thực thụ.
Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc làm hộ khẩu cho trẻ em lang thang cơ nhỡ. Trong thành tích chung ấy, có đóng góp của tập thể Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố; trong cái tập thể ấy có những cá nhân như anh Phan Hạnh!
HÀ MINH