Tìm thế đứng tạo thương hiệu cho hàng Việt

Để hàng Việt có thể trụ vững trên thị trường nội địa, cũng như tăng nội lực tham gia sâu vào thị trường nước ngoài, Bộ Công thương đã làm việc với hệ thống phân phối nội và ngoại để thiết lập chính sách hỗ trợ ưu tiên tiêu thụ hàng Việt.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) nội cần phải nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, nếu muốn duy trì lợi thế có mặt trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Tìm thế đứng tạo thương hiệu cho hàng Việt ảnh 1 Saigon Co.op có nhiều chính sách ưu tiên cho hàng Việt tại hệ thống siêu thị Co.opmart
Kiên trì “nội địa hóa”
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Saigon Co.op cho biết, là thương hiệu thuần Việt, hệ thống Co.opmart đã xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược “nội địa hóa” nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Thực hiện chính sách mua hàng ưu tiên như doanh nghiệp là nhà sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Tiêu chí “sản phẩm đạt tiêu chuẩn HVNCLC” được đưa vào chính sách chất lượng khi thực hiện chọn lọc hàng hóa vào kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opmart. DN nội sẽ được ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày; được hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới hoặc các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp hàng Việt. 
Không dừng lại đó, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết thêm, sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan và Saigon Co.op đẩy mạnh triển khai chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” với trung bình hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động mỗi năm, phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, cư dân trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Những mặt hàng mang đến phục vụ bà con là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước với mức giảm giá hấp dẫn từ 10% -  50%, cùng nhiều quà tặng kèm theo. Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có thêm hàng may mặc để phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân. Bằng việc bền bỉ với chiến lược “nội địa hóa”, từ những tỷ lệ khiêm tốn ban đầu, đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng 90% - 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại hệ thống phân phối nội. 
Đồng thuận với quan điểm phải hỗ trợ hàng Việt phát triển, tại cuộc họp do Bộ Công thương tổ chức, ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết Aeon Việt Nam đang hợp tác với hơn 1.600 DN cung cấp tại Việt Nam để cung ứng hàng hóa vào hệ thống Aeonmall Việt Nam, cũng như toàn hệ thống Aeonmall trên thế giới. Chỉ tính riêng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị này tại Việt Nam đã đạt khoảng 80%. Hệ thống Aeon nhập khẩu khoảng 200 triệu USD hàng Việt. Còn với chuỗi hệ thống siêu thị Big C, Metro đã tiếp nhận và xuất khẩu hàng Việt qua thị trường châu Âu với doanh số khoảng 25 triệu USD/năm. Hiện ông chủ hệ thống phân phối ngoại này cũng đang làm việc với nhiều DN Việt để cải tiến hiệu suất sản xuất, chất lượng và mẫu mã bao bì sản phẩm nhằm tăng sự hiện diện của DN Việt trong hệ thống cung ứng hàng hóa cho tập đoàn. 
Nỗ lực gỡ khó
Dù có nhiều kết quả khả quan trong hoạt động thúc đẩy phát triển hàng Việt trong nước cũng như đưa trực tiếp hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài, nhưng việc duy trì ổn định sự có mặt hàng Việt trong chuỗi cung ứng hệ thống phân phối nói chung còn thiếu ổn định. Ông Hong Won Sik cho rằng, để có thể trụ chân tại hệ thống phân phối ngoại, chất lượng phải ổn định và bền vững, sau đó mới tính chuyện giá cả. Thực tế cho thấy, sản phẩm Việt Nam mặc dù đã có thương hiệu lâu năm, nhưng trong quá trình tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế trong việc quảng bá, đảm bảo chất lượng, tỷ lệ hàng lỗi còn nhiều. Nhiều DN thường có tâm lý đã vào được chuỗi cứng rồi thì không cần phải cải tiến kỹ thuật, năng suất, chất lượng nên chất lượng sản phẩm suy giảm và không thể cạnh tranh với những DN ngoại khác. 
Ở một góc độ khác, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, thừa nhận: “Sản phẩm của Sài Gòn Food có chất lượng không thua gì hàng ngoại nhập cùng loại. Đơn cử như dòng cháo tươi, so với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc thì từ hình thức bao bì bên ngoài cho đến chất lượng sản phẩm bên trong đều tương đương. Thế nhưng, DN nội vẫn gặp không ít khó khăn với việc giữ thị phần nội địa, trong bối cảnh hàng ngoại nhập đang xâm nhập mạnh vào thị trường trong nước. Đối với các hệ thống siêu thị ngoại, việc đưa hàng Việt vào cũng không khó khăn, nhưng việc duy trì và phát triển rất khó. Mức chiết khấu và rất nhiều loại phí, thưởng của họ quá cao nên việc kinh doanh không hiệu quả”. 
Bà Lâm cũng chia sẻ, công ty đang dồn sức cho chiến lược phát triển tập trung thị trường nội địa. Hiện tốc độ tăng trưởng tại thị trường nội địa không ngừng tăng cao.  Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2017, sản phẩm của Sài Gòn Food tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, để sản phẩm trụ vững tại thị trường nội, DN cần không ngừng đầu tư nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, sáng tạo sản phẩm mới; đầu tư công nghệ thiết bị, bao bì. Các yếu tố về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Riêng về phía các cơ quan chức năng, cần nhanh chóng ổn định chính sách để DN yên tâm đầu tư phát triển. 
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện đánh giá năng lực của các nhà sản xuất trong nước. Theo đó, những DN sản xuất uy tín, hàng hóa chất lượng với nguồn cung cấp ổn định sẽ được Co.opmart đầu tư hoặc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiếp cận với công nghệ mới để giúp các DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tiến tới hợp tác phát triển hàng nhãn riêng Co.opmart. Mặt khác, Saigon Co.op cũng làm cầu nối thông tin từ phía người tiêu dùng với các nhà sản xuất. Từ đó, giúp các DN trong nước nắm được thông tin, có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục