Tín hiệu lạc quan

Hội nghị thường niên Davos (Thụy Sĩ) do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức đang diễn ra với sự tham dự của 2.500 chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có trên 40 nguyên thủ quốc gia.

Hội nghị thường niên Davos (Thụy Sĩ) do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức đang diễn ra với sự tham dự của 2.500 chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có trên 40 nguyên thủ quốc gia.

Với chủ đề “Định hình lại thế giới: Những hệ quả cho chính trị, xã hội và kinh doanh”, các chuyên gia đã trải qua nhiều cuộc thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, các thị trường mới nổi, cải cách tài chính và biến đổi khí hậu. Nhiều nhận định, phân tích bên lề hội nghị xoáy sâu vào bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2014, những kỳ vọng và thực tế phải đối mặt.

Chuyên gia trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Olivier Blanchard nhận định thận trọng rằng kinh tế thế giới được dự đoán tăng trưởng 3,7% so với mức 3% của năm 2013. Lý do cơ bản đằng sau sự phục hồi này là hệ thống tài chính bất ổn đang dần đi vào quỹ đạo ổn định. Cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ mà hàng loạt ngân hàng trung ương của các quốc gia áp dụng đã tạo ra động lực để khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan không xuất hiện ở mọi quốc gia cũng như với tốc độ hồi phục của từng nơi là khác nhau. Mỹ - đầu tàu kinh tế thế giới được đánh giá tích cực. IMF dự đoán tăng trưởng của Mỹ trong năm nay là 2,8% (tăng trưởng của Mỹ năm 2013 là 1,9%), dựa vào những cải cách trong hệ thống ngân hàng, chính sách kích cầu và giảm được những cản lực từ các vấn đề tài chính.

Ông Olivier Blanchard  còn đặt hy vọng vào Anh, Đức, Pháp. Với Nhật Bản, đây là quốc gia phục hồi từng bước chắc chắn và có thể sẽ dừng ở mức tăng trưởng 1,7% năm 2014. Tuy nhiên, đối với các quốc gia ASEAN, cần tập trung vào tiêu thụ và đầu tư để giữ vững mức tăng trưởng hơn là trông chờ hỗ trợ từ chính phủ cũng như việc xuất khẩu. Đối với khu vực Nam Âu, còn nhiều yếu tố gây lo lắng khi nhu cầu tiêu dùng nội bộ không đáng kể. Ở các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, kỳ vọng khả quan là rất lớn trong năm 2014. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, nước này vẫn bám vào tín dụng để đầu tư nên gánh nặng giải quyết đống nợ khổng lồ từ đầu tư kém hiệu quả nếu không được cân bằng thì cuối cùng sẽ trở nên quá lớn và không thể xử lý nổi. Năm 2013, Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế 7,7%, thấp nhất trong 14 năm qua và dự đoán năm 2014 là 7,5%.

Từ ngày 16 đến 23-1 vừa qua, 225 nhà kinh tế học đến từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan đã ngồi lại đánh giá triển vọng kinh tế các quốc gia châu Á. Hầu hết các nhà kinh tế đều nhìn nhận rằng nền kinh tế châu Á vẫn còn yếu. Theo chuyên gia kinh tế toàn cầu Dominic Bryant thì giai đoạn tăng trưởng hai con số đã qua. Ấn Độ được dự đoán đạt tăng trưởng 5,4% năm nay vì đầu tư còn quá yếu. Năm 2014, ở Indonesia sẽ có tổng tuyển cử, Thái Lan thì tiếp tục đối mặt với tình hình chính trị bất ổn. Nguy cơ nhà đầu tư trong nước chuyển vốn ra bên ngoài là hoàn toàn có thể.

Theo Economist, hầu như năm nào cũng thế, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu năm 2008, các nhà dự báo kinh tế thường đưa ra những kỳ vọng cao về nền kinh tế năm sau đó. Nhưng tất cả đều không sát thực tế. Vì thế, ở thời điểm nhạy cảm này thì việc quá lạc quan cũng là cách suy nghĩ nguy hiểm. Theo ông Guntram Wolff, Giám đốc của Viện Chính sách Bruegel (châu Âu), hiện nay vẫn còn vòng tròn trì trệ, tăng trưởng toàn cầu còn kém, tạo việc làm chưa hữu hiệu. Đó là vấn đề cốt lõi cần giải quyết để tạo động lực khôi phục kinh tế một cách vững chắc.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục