Tín hiệu tích cực thị trường tiền tệ - Cung vốn tăng, lãi suất giảm

Thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ, cùng với việc áp dụng lãi suất thỏa thuận, đến nay hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất (cả huy động và cho vay), mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trở lại, đã khai thông nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Tín hiệu tích cực thị trường tiền tệ - Cung vốn tăng, lãi suất giảm

Thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ, cùng với việc áp dụng lãi suất thỏa thuận, đến nay hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất (cả huy động và cho vay), mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trở lại, đã khai thông nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Giảm mạnh lãi suất vay ngắn hạn

Khách hàng đến giao dịch tín dụng tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Khách hàng đến giao dịch tín dụng tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

So với trước khi triển khai Nghị quyết 18, đến nay mặt bằng lãi suất VND đã giảm mạnh qua hai lần điều chỉnh.

Tại buổi làm việc mới đây với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước cam kết giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay để giảm chi phí vay vốn sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp; doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn tối đa 13%/năm.

Từ ngày 4-5-2010, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh giảm lãi suất theo cam kết này. Cụ thể, với các khoản vay ngắn hạn, BIDV áp lãi suất thỏa thuận tối đa 13%/năm (giảm 1%/năm so với trước). Đặc biệt, cho vay xuất khẩu, cho vay phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho vay thu mua chế biến nông - thủy sản, gỗ, cà phê, cao su với kỳ hạn đến 6 tháng đối với các khách hàng nhóm A trở lên được BIDV áp dụng mức lãi suất tối đa 12,5%/năm.

Việc các ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay đã kéo theo nhiều ngân hàng nhỏ hơn hưởng ứng. Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) cho biết đã giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay thỏa thuận ngắn hạn bằng VND trên toàn hệ thống. Riêng khách hàng có quan hệ tiền gửi và sử dụng dịch vụ, đáp ứng quy định của LienVietBank được giảm thêm 0,5%/năm.

TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietBank cho rằng, xu hướng trong tương lai là các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để thu hút những khách hàng làm ăn hiệu quả.

Tuy chưa công bố tiếp tục giảm lãi suất nhưng bà Cao Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, lãi suất trong thời gian tới của MB sẽ theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp vay vốn.

Lãnh đạo một số NHTM khác cũng đang xem xét cân đối giảm các chi phí để đưa lãi suất, nhất là lãi suất cho vay ngắn hạn giảm thấp hơn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và dân cư. Như vậy, trong thời gian tới lãi suất cho vay sẽ thiết lập một mặt bằng mới thấp hơn khoảng 0,5%-1%/năm so với cuối tháng trước.

Điều chỉnh theo tín hiệu thị trường

Khách hàng giao dịch tại Techcombank. Ảnh: CAO THĂNG

Khách hàng giao dịch tại Techcombank. Ảnh: CAO THĂNG

Hiện nay lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn ở mức cao, phổ biến khoảng 14%-14,5%/năm, thậm chí có NHTM áp dụng mức 15%-16%/năm.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định: “So với cách đây 1-2 tháng, khi lãi suất cho vay lên tới 17%-18%/năm thì mặt bằng lãi suất hiện tại mang lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp. Nhưng để doanh nghiệp có thể làm ăn hiệu quả vẫn cần tiếp tục kéo giảm lãi suất”.

 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất xuống bằng mức của năm 2007 (huy động vốn 10%/năm, cho vay khoảng 12%/năm).

Trao đổi với phóng viên SGGP, TS Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết cơ quan này đang tích cực lên phương án điều chỉnh lãi suất phù hợp với tình hình của thị trường để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Tuy nhiên, theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), cần có lộ trình kéo giảm lãi suất chứ không thể làm ngay vì các NHTM đã thu hút nguồn vốn lãi suất cao trước đó. Nếu lãi suất đầu vào không điều chỉnh xuống thì sẽ khó kéo giảm lãi suất đầu ra. Trên khía cạnh khác, cần tính toán thực hiện lãi suất huy động thực dương so với lạm phát mới có thể thu hút được vốn tiền gửi dân cư.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất huy động VND của các NHTM đang phổ biến ở mức 11%-11,5%/năm, giảm khoảng 0,5%-1%/năm so với hồi cuối tháng 4. “Việc các ngân hàng có thể giảm tiếp lãi suất huy động trong thời gian tới hay không phụ thuộc nhiều vào chỉ số lạm phát thời gian tới” – bà Dương Thu Hương nhận định.
 
Cùng với đà giảm lãi suất, cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận đã mang lại tín hiệu tích cực về tăng trưởng tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 4-2010, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh so với diễn biến chậm trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 4-2010 ước tăng 1,73% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND tăng 1,41%, thay vì chỉ ở mức thấp trong quý 1/2010 (0,57%).

So với cuối năm trước, đến nay tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 5,58%, đồng nghĩa với dư địa cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay thời gian tới vẫn còn khá lớn, có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng năm 2010 vào khoảng 25% như Ngân hàng Nhà nước định hướng. Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, nguồn vốn tín dụng càng được khai thông mạnh mẽ hơn.

HÀM YÊN 

“Điều chỉnh biên độ tỷ giá” chỉ là tin đồn

Vài ngày gần đây, sau gần 1 tháng giảm từ mức kịch trần biên độ với 19.100 đồng/USD về khoảng 18.990 đồng/USD (giảm khoảng 0,52% so với tháng 3), giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng trở lại. Giá USD bán ra của Vietcombank đã tăng lên mức 19.060 đồng/USD trong hai ngày qua.

Tuy nhiên, trên thị trường tự do, giá USD bán ra lại ở mức thấp hơn, chỉ khoảng 19.010 đồng/USD. Tỷ giá tăng trở lại đã làm xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều chỉnh biên độ tỷ giá.

Trao đổi với phóng viên SGGP chiều qua, 11-5, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt và khẳng định: “Thị trường ngoại hối đang ổn định, chúng tôi chưa có chủ trương gì về điều chỉnh biên độ tỷ giá trong thời điểm này”.  

Tin cùng chuyên mục