Tuy khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương độc đáo, đặc sắc nhất là ở ý nghĩa niềm tin, song GS Ngô Đức Thịnh, người tham gia viết và phản biện hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dự kiến đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, vẫn còn chút cảm giác lo lắng về bộ hồ sơ di sản rất có ý nghĩa này. GS Ngô Đức Thịnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
- PV: Trong nhiều năm qua, phần lớn hồ sơ di sản của Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Vậy điều gì khiến ông lo lắng về hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?
GS NGÔ ĐỨC THỊNH: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khác với những di sản đã được công nhận trước đó. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng không phải dân tộc nào cũng có. Tín ngưỡng này không xuất phát ngay ở thời kỳ vua Hùng mà phải đến thế kỷ 13 - 14, từ thời Lý - Trần, dưới sức ép của giặc ngoại xâm, các nhà lãnh đạo quân sự phải xây dựng một ý thức hệ cho toàn dân tộc. Biểu tượng thờ cúng Quốc tổ là Hùng Vương, một vị cha chung mở cõi đất nước Việt Nam, được tạo nên từ đó. Ý thức hệ này vô cùng quan trọng, nó kết tinh sức mạnh của cả một dân tộc, giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và giữ vững nền độc lập qua những thời kỳ lịch sử lâu dài. Tín ngưỡng này được duy trì, giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác, vượt lên trên mọi thời đại, không kể chế độ nào.
Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hoàn toàn khác với hát Xoan, Quan họ hay Ca trù, vì di sản có được công nhận hay không thì sự ảnh hưởng cũng sẽ chỉ xảy ra trong một cộng đồng nhỏ. Còn mang Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là mang ông Tổ của dân tộc Việt Nam ra “thi thố”, nói dại lỡ mà thế giới không công nhận thì điều này sẽ làm tổn thương đến lý trí và tình cảm của triệu triệu người dân Việt Nam. Vì thế cái khó khăn nhất của các nhà khoa học Việt Nam khi lập hồ sơ này là phải làm sao để UNESCO thấy và hiểu được cái độc đáo, hiếm có của tục thờ Quốc tổ này.
- Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện đã và đang bị “nhà nước hóa”?
Đây cũng chính là điều tôi cảm thấy băn khoăn khi tham gia đóng góp ý kiến phản biện cho hồ sơ này. Cần nhìn nhận rõ rằng, nếu không có nhà nước thì không có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhưng tại thời điểm này Lễ hội đền Hùng đang có xu hướng nhà nước “lấn sân”, làm thay vị trí của người dân trong nghi lễ dân gian. Đây là điểm UNESCO “kỵ” nhất. Chính việc làm thay này vô hình trung đã đẩy người dân rời xa bản chất của các nghi lễ truyền thống.
Tại một số nơi thờ cúng Vua Hùng ở các địa phương, làng xã thì tính truyền thống được bảo tồn tốt hơn. Nhân dân chính là chủ thể của các nghi lễ, nhưng tại đất thiêng đền Hùng - Phú Thọ thì vai trò của nhà nước trong các nghi lễ đang ngày càng thể hiện rõ hơn. Có thể dẫn chứng như khai hội đền Hùng vào ngày 26-3 vừa qua, chúng tôi lên đền Hùng, Phú Thọ, và tận mắt chứng kiến, việc ngăn cản không cho người dân vào thắp hương ở khu vực linh thiêng nhất của đền Thượng. Vì sao người dân lên thành kính thắp hương, cầu cúng Quốc tổ lại không được thực hiện nghi lễ của mình? Tại sao khu vực đó lại chỉ ưu tiên cho một số người mà không phải là cho cả cộng đồng?
- Theo ông, cần làm gì để tăng tính cộng đồng trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương?
Cái này thì tất cả chúng ta cùng phải nghĩ, mà người làm lãnh đạo phải nghĩ nhiều hơn. Theo lệ của thời nhà Nguyễn, lễ giỗ Tổ Hùng Vương 5 năm một lần được tổ chức với nghi lễ là Quốc tổ. Khi cử lễ, ít khi vua có mặt, mà nơi đứng ra lo là bộ Lễ cùng các quan đầu tỉnh. Tài liệu để lại cho thấy triều Nguyễn đã có những quy định cụ thể như giao việc tổ chức giỗ, trông coi hương khói mộ Tổ hàng năm cho nhân dân các xã sở tại, các vị con trưởng. Vào năm hội lệ (không phải hội chính), triều đình gửi gạo thơm về để dân làng nấu xôi cúng Tổ. Năm chẵn, triều đình chịu trách nhiệm cử hành các nghi thức. Đây cũng là một cách nhìn nhận hay cần phải học hỏi.
Phải để cho người dân thực hành tín ngưỡng. Cần tạo điều kiện cho người dân được tu bổ, tôn tạo những điểm thờ cúng vua Hùng trước đây đã bị xuống cấp, phá hủy do thời gian, do chiến tranh… để nhân dân có nơi thực hành các nghi lễ thờ cúng Quốc tổ.
- Theo ông, cần phải làm gì để hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia UNESCO?
Phải có sự vào cuộc nghiêm túc của cả nhà nước và người dân mà quan trọng nhất là “nhân dân hóa” tín ngưỡng thờ cúng này. Xác định được ranh giới rõ ràng giữa nhà nước và người dân trong các lễ hội, đưa lễ hội về với đúng bản chất truyền thống, do cộng đồng làm chủ. Đó là những việc cần phải thực hiện bây giờ. Và quan trọng hơn cả là gìn giữ, lan tỏa được tinh thần đoàn kết, tính kết nối của nghi lễ thờ cúng Quốc tổ trong cộng đồng.
Vĩnh Xuân thực hiện