
Tình Bác sáng đời ta Tháng 9 năm 1969, tại chiến khu miền Đông Nam bộ, trước ngày Tiểu ban Văn nghệ - thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục R tổ chức tưởng niệm Bác Hồ, chúng tôi nhận được nhiệm vụ: dàn dựng một sáng tác mới của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhà thơ Diệp Minh Tuyền để hát trong buổi lễ đau thương ấy.

Đội Văn công Giải phóng biểu diễn trong chiến khu, năm 1969.
Một nhiệm vụ thường ngày của chúng tôi - những anh chị em diễn viên trong Đoàn Văn công Giải phóng - vậy mà bữa nay sao khó khăn và nặng nề đến thế. Cả một khu rừng căn cứ kháng chiến vốn sôi nổi, rừng rực nhịp sống, giờ bao trùm không khí tĩnh lặng, chúng tôi đã ngưng đàn hát mấy bữa rày không chỉ vì quy định chung mà nỗi mất mát to lớn này khiến mỗi người chỉ có thể lặng yên.
Buổi dàn tập bắt đầu, nhạc sĩ Phạm Kỳ Lân (Trường Nam) nâng cây đàn ghi ta dạo những hợp âm đầu tiên, chúng tôi nhìn vào nét chữ nắn nót của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết tên bài hát: Tình Bác sáng đời ta, rồi chầm chậm hát theo: “Từ trong chiến hào hôm nào nghe tiếng Bác...”. Chỉ hát được một câu, tất cả chúng tôi bật lên khóc nức nở.
Trong nước mắt, chúng tôi hát. Mười anh chị em, người từng được gặp Bác, người chưa một lần, quê đủ mọi nơi nhưng chung một tình cảm nhớ thương Bác vô hạn: Duy Nãi ở Thái Bình, Thế Hưng ở Cần Thơ, Phạm Dũng ở Trà Vinh, Tô Lan Phương ở Hải Hưng, Thúy Hợi - Việt kiều ở Thái Lan, Thu Hằng - Việt kiều ở Campuchia, Thế Hải, ZDư An, Trường Nam, Mai Lâm ở Hà Nội.
Chúng tôi hát bằng tất cả tâm hồn là con cháu của Bác. Chúng tôi hát bằng tất cả cảm xúc dâng trào, bằng tình cảm dạt dào thương yêu Bác.
Viết lại cảm xúc của những ngày tháng ấy để tự hào là những người được vinh dự trình bày lần đầu tiên ca khúc Tình Bác sáng đời ta.
THẾ HẢI