Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp

Ngày 31-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia kinh tế, năng lượng để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.
Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp

Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song, ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh… Dù vậy, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra. Theo ông Trần Đình Thiên, đây là vấn đề cần bàn một cách nghiêm túc.

Nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường. "Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc đã đề ra", ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ.

TS Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, cho biết: trên thế giới có nhiều mô hình định giá cho giá điện. Một số quốc gia có lợi thế về cung ứng năng lượng, họ luôn là các nước xuất siêu về mặt năng lượng, thông thường họ rất dễ dàng đưa ra các cơ chế giá để ổn định kinh tế xã hội, đáp ứng các mục tiêu về dân sinh xã hội.

TS Hà Đăng Sơn ví dụ trường hợp Brunei hay các nước Trung Đông, hầu như có giá năng lượng rất thấp. Hàn Quốc lại áp các gói giá công suất, tức là kể cả không dùng cũng phải chi trả cho công suất. Đối với hộ gia đình, họ cũng đang áp dụng giá điện bậc thang, điều này khá tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên mức giá cao hơn nhiều.

TS Hà Đăng Sơn cũng chỉ ra thách thức lớn nhất của chúng ta khi hòa nhập với thị trường năng lượng thế giới là phải chấp nhận câu chuyện cung cầu năng lượng trên thế giới, giá cả thế giới biến động và chi phí đầu vào cho năng lượng cũng như sản xuất điện năng của chúng ta cũng sẽ thay đổi rất lớn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, để tính đúng tính đủ cần đảm bảo an ninh nguồn điện với sự đồng bộ, kịp thời. Đẩy nhanh các dự án nguồn điện, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, không sản xuất bằng mọi giá; có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiết kiệm điện, tiêu thụ điện xanh.

Cùng chung nhận định này, TS Hà Đăng Sơn khuyến nghị, cần thay đổi cơ chế chính sách, điều chỉnh luật pháp về thu hút đầu tư, trong đó đưa ra mức giá mua điện phù hợp, đủ hấp dẫn nhà đầu tư, đảm bảo việc đầu tư rủi ro thấp, gắn với an ninh năng lượng…

Tin cùng chuyên mục