Tình người ở nhà dưỡng lão nghệ sĩ…

Nằm trong một con hẻm nhỏ cuối đường Âu Dương Lân, quận 8, TPHCM là một ngôi nhà tuềnh toàng trên mảnh đất rộng khoảng 600m2, xung quanh rợp bóng cây. Ngôi nhà đơn sơ nhưng là nơi trú ngụ của khoảng 30 con người đã từng một thời vang bóng trên sân khấu. Họ là những nghệ sĩ tài danh, một thời được rất nhiều người ngưỡng mộ, khi cuối đời phải sống nhờ vào mái ấm này và vui cùng bạn diễn cũ …
Tình người ở nhà dưỡng lão nghệ sĩ…

Nằm trong một con hẻm nhỏ cuối đường Âu Dương Lân, quận 8, TPHCM là một ngôi nhà tuềnh toàng trên mảnh đất rộng khoảng 600m2, xung quanh rợp bóng cây. Ngôi nhà đơn sơ nhưng là nơi trú ngụ của khoảng 30 con người đã từng một thời vang bóng trên sân khấu. Họ là những nghệ sĩ tài danh, một thời được rất nhiều người ngưỡng mộ, khi cuối đời phải sống nhờ vào mái ấm này và vui cùng bạn diễn cũ … 

  • Hào quang… một thời! 

Một trong những người vào nhà dưỡng lão này từ những ngày đầu tiên chính là nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thẩm, nghệ danh Lệ Thẩm. Bà sinh năm 1937 tại Bạc Liêu. Ngay từ lúc được 4-5 tuổi, Lệ Thẩm đã đi hát và 17 tuổi đã là đào chánh trong các đoàn hát lớn và năm 17 tuổi là bà bầu của đoàn cải lương Nhị Hương - Tuấn Sĩ. Từ thời đi diễn, nghệ sĩ Lệ Thẩm đã từng thành danh qua các vở "Ánh nắng chiều xưa","Cô gái áo vàng", "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài"… Vóc dáng đẹp và giọng ca khỏe, Lệ Thẩm luôn là thần tượng của bao nhiêu người, thế nhưng về cuối đời bà lại không nơi nương tựa. Giọng bà đượm buồn: "Ngày xưa có được mọi thứ nhưng không giữ được. Bây giờ vào đây, nhờ sự giúp đỡ của nhà nước và các vị mạnh thường quân mới có được cơm ngày 2 bữa… Đơn giản nhưng quá vui rồi…!".

Tình người ở nhà dưỡng lão nghệ sĩ… ảnh 1
Nghệ sĩ Thiên Kim với những hình ảnh về đêm diễn vở Lấp sông Gianh

Chúng tôi còn gặp được một nghệ sĩ tài hoa và là một nhân chứng lịch sử đặc biệt còn sót lại của sự kiện khi đoàn Kim Thoa đang hát vở "Lấp Sông Gianh" tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân TPHCM) vào tối 19-12-1955 đã bị lính Diệm ném lựu đạn, vì vở diễn nói lên sự yêu nước. Nhân vật đặc biệt ấy chính là nữ nghệ sĩ Thiên Kim, tên thật Đoàn Thiên Kim, sinh năm 1934 tại Sài Gòn.
 
Thiên Kim đã theo gia đình đi hát và lần lượt là đào thương cho các đoàn: Kim Thoa, Năm Châu, Nam Hồng, Lam Sơn, Sóng Mới, Tiếng Chuông, Bích Thuận… và tên tuổi nổi danh từ đó. Hơn 50 năm trôi qua, nhưng người nghệ sĩ nay đã 72 tuổi này vẫn nhớ như in kỷ niệm đau buồn ngày nào, đó là vào đêm 19-12-1955 đang hát bị ném lựu đạn. Mảnh đạn đã khiến 3 người chết, đó là nghệ sĩ Ba Hương, nhà báo Nguyễn Mai và anh Phiên, vệ sĩ của đoàn. Còn nghệ sĩ khác thì bị đạn cắt đứt 1 chân, Thiên Kim cũng bị mảnh đạn găm trên người, vết tích vẫn còn đến nay...
 
Người vào nhà dưỡng lão nghệ sĩ... mới nhất là nam nghệ sĩ Thanh An, quê ở Bến Tre, năm nay ông đã 73 tuổi. Tuy đã bước sang tuổi "cổ lai hy" nhưng nghệ sĩ Thanh An vẫn còn giọng ca dài và khỏe. Ông khoe vừa đi hát từ thiện về. Ông cho biết, đã theo nghề từ năm 17 tuổi. Ông có 9 năm kháng chiến chống Pháp và sau 1954 thì đi hát cho các đoàn lớn như: Út Bạch Lan - Thành Được, Hương Mùa Thu, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương… Nghệ sĩ Thanh An cũng nổi tiếng trong các vở "Khi rừng mới sang thu", "Con cò trắng", "Vàng sáu, bạc mười" và "Lan huệ sầu ai?" … Sau 1975, nghệ sĩ Thanh An đã theo đoàn cải lương Tiếng ca đất Mũi phục vụ các tỉnh Minh Hải, Cà Mau, Bạc Liêu và từ năm 2000 thì ông trở về thành phố...  

  • … sau khi rời sân khấu  

 Lúc đầu, các nghệ sĩ ở đây được nhà nước chu cấp cho mỗi người 4.000đ/ngày (ăn ngày 2 buổi). Ban Ái hữu nghệ sĩ và Hội Sân khấu đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ thêm 4.000đ nữa cho mỗi người nên hiện nay tiêu chuẩn của mọi người ở nhà dưỡng lão là 8.000đ/ngày. Các nghệ sĩ ở đây sẽ được nuôi dưỡng với chế độ này cho đến khi qua đời.

Từ ngày thành lập đến nay nhà dưỡng lão này đã là mái ấm cho đến cuối đời của các nghệ sĩ như: Soạn giả Thành Phát, NS Tư Sa, NS Kiều Thu, NS Thiên Kim, NS Lệ Thẩm, NS Thanh An, NS Trường Sơn, kép độc Hoàng Nô, NS Lam Sơn, họa sĩ Hoài Nam, danh hề Cảnh Tượng, Tư Em…“Và cũng đã có 14 người đã mãi mãi ra đi từ mái nhà này – nghệ sĩ Trường Sơn buồn buồn - thế nhưng đây vẫn là mái ấm chân tình nhất mà nhiều nghệ sĩ không nơi nương tựa luôn mong được nương thân !”.

Khi chúng tôi đến thăm nhà dưỡng lão thì các nghệ sĩ đang quét sơn lại ngôi nhà của mình. Hăng hái nhất chính là kép độc Hoàng Nô, người đã từng là "vua, chúa" trên sân khấu. Ông mải mê công việc như một thợ sơn chuyên nghiệp, đôi lúc lại quay sang chọc các bạn diễn cũ sơn chậm. Hỏi ông có học ngày nào không mà sơn tường giỏi vậy thì ông cho biết: "Sơn nhà cũng giống như vẽ mặt trước khi lên sân khấu ngày trước ấy mà". Ông cho biết ban quản lý tính bỏ ra mấy triệu đồng để thuê người quét sơn nhưng các nghệ sĩ đã tự nguyện làm công việc này và đây cũng là dịp họ không muốn mọi người quên lãng… vì mình đã già rồi!
 
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết vì không muốn bị mọi người… lãng quên mà các nghệ sĩ như Thiên Kim, Lệ Thẩm, Thanh An dù đã qua tuổi 70 nhưng đều chọn giải pháp... đi đóng phim để được trở lại là chính mình và có thêm nguồn thu nhập.

 Nổi tiếng đóng phim nhiều vai từ bà ngoại, bà nội cho đến bà vú, quản gia… là nữ nghệ sĩ Thiên Kim. Bà đã tham gia rất nhiều phim như: Võ sĩ bất đắc dĩ, Những đứa con thành phố, Mảnh vỡ, Người bất hạnh, Cạm bẫy… Gần như năm nào bà cũng được xuất... trại đi đóng phim. Khi tiếp chúng tôi bà còn khoe: "Đạo diễn Lê Cung Bắc vừa gọi điện bảo chuẩn bị đi quay tiếp một phim rồi về ăn tết. Và cũng đang chuẩn bị đây". Riêng nghệ sĩ Thanh An có lẽ hợp với các vai ông già nên đã được đạo diễn Nguyễn Mạnh Tuấn ưu ái mời vào vai ông già trong 3 bộ phim khác nhau: Địa đạo Củ Chi, Ấp ba nhà và Làng Cát - Bình Thuận…
 
Qua trò chuyện với các nghệ sĩ, có một điều khá bất ngờ là khi hỏi họ có ước muốn gì không, tất cả đều cười và cho biết "chẳng còn thích gì nữa đâu, ở đây cơm ngày 2 bữa là đủ quá rồi…". Nghệ sĩ Bạch Yến, người nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất ở đây, sinh năm 1922 ở Hà Nội, năm 16 tuổi đã là kép chính của các đoàn Đại Quốc Hoa và Kim Phụng… tâm sự: "Bây giờ nhờ nghiệp tổ có được miếng cơm hàng ngày là quá đủ rồi. Nhưng lại cảm thương cho nhiều nghệ sĩ khác, có người đang không có nơi nương tựa". 

Việt Nhân

Tin cùng chuyên mục