
Người ta có cái cảm giác như sân vận động quốc gia Thái Lan trở thành sân của đội tuyển Việt Nam khi chỉ có lèo tèo dăm ba CĐV Iraq trong khi khán đài lại tràn ngập khán giả Việt Nam. Và chắc ít người ở quê nhà biết rằng, có những CĐV đang làm lao động “chui” bên Thái đã chấp nhận chơi canh bạc rủi ro để đến sân. Cô bé người Hà Tĩnh tên Hương phục vụ nơi khách sạn chúng tôi ở là một trong những người như thế.
Trước ngày tuyển Việt Nam thi đấu, có một cô bé lân la đến gặp các phóng viên và thật bất ngờ, cô nói bằng tiếng Việt: “Các anh có biết địa chỉ sân bóng ở đâu không, chỉ cho chúng em với”. Cô bé tên Hương ấy chỉ vừa tròn 17 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Cô là một trong những người bị xem là lao động bất hợp pháp tại Thái Lan.
Theo lời cô kể, những người lao động Việt Nam sang Thái thường theo ngã nước Lào không cần passport và phải đóng không ít tiền cho bọn cò lao động ở quê nhà để được đi chui như thế. Qua đến Thái, đa phần đều làm phục vụ ở các nhà nghỉ, khách sạn hoặc quán ăn với mức lương bèo bọt, khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng làm quần quật bởi các ông chủ ở đây thừa hiểu, không có họ chắc chắn những người lao động kia sẽ chẳng còn đường sống.
Thế nhưng, với những người lao động chui ấy đấy đã là may mắn, bởi không ít cô gái đã bị ép phải hành nghề mại dâm ngay khi vừa đặt chân tới Thái sau những trận đòn roi kinh người. Không những thế, họ còn phải đương đầu với rủi ro, chỉ cần bị cảnh sát Thái Lan bắt được, coi như họ bị tù và sau đó là trục xuất.
Có lẽ vì thế nên sau khi gặn hỏi kỹ chúng tôi xem sân tên gì và “liệu có đông cảnh sát không nhỉ?”, cô bé xin phép chúng tôi đi về để bàn bạc với mọi người. Những tưởng câu chuyện đã chấm dứt ở đây, nhưng thật bất ngờ, đúng 4 giờ chiều, Hương đến cùng 2 người bạn. Một bạn trong đoàn hỏi đùa: “Thế không sợ bị bắt à?”. Cô bé mím môi cương quyết: “Mấy anh cứ cho chúng em đi cùng, thôi thì vì đội nhà, chúng em đành liều vậy, nếu có bị bắt cũng coi như số trời”.
Tưởng chỉ 3 người, nào ngờ khi mọi người gọi taxi, chúng tôi mới thấy từ góc đường có thêm đến 6 người nữa, già có trẻ có bước đến chỗ chúng tôi. Thì ra, họ sợ chưa kịp đến sân cổ vũ cho đội bóng đã bị bắt thì công cốc. Sau khi thương lượng với anh lái taxi, cả 9 người cùng leo lên chiếc xe chật ních để cùng đi đến sân cho đỡ tốn kém và cũng để “nếu bị bắt thì có chị có em”.
Đến sân còn khá sớm, nhưng CĐV Việt Nam tụ tập đánh trống hát hò khá đông để quay phim. Họ vui lắm, Hương nói như hét vào tai tôi: “Ba năm nay, hôm nay là ngày em vui nhất”. Thế nhưng thật bất ngờ, khi Hương cùng những người đi cùng nhảy phắt ra chỗ khác khi ống kính truyền hình của các phóng viên VTC lia tới. Cô bé nói như khẩn khoản: “Anh nói mấy chú đừng quay phim, chụp hình bọn em anh nhé, ở đây ra đường bọn em còn không dám, lỡ chụp hình có chuyện gì thì chết”.
Thì ra, nỗi sợ bị bắt vẫn canh cánh bên lòng chung với tình quê. Mà nào chỉ có họ, một loáng sau, người ta đã thấy rất đông kiều bào tận các tỉnh xa thủ đô Bangkok cũng về để ủng hộ, hợp pháp có, không hợp pháp cũng có thậm chí có bác gái còn mặc bộ “đại lễ” áo tứ thân cùng chiếc khăn quàng ngang người viết chữ rõ to: “Tôi yêu Việt Nam!”.
Tan trận, bé Huyền nói thều thào sau 90 phút hò hét: “Nếu lần sau anh sang đây mà em chưa có chuyện gì, anh xin hộ em chữ ký các cầu thủ với mấy tấm ảnh để em làm kỷ niệm anh nhé”. Tôi hứa và chúc em may mắn, chỉ có điều tôi chưa nói với Hương rằng, tôi sẽ kể về cô cho các cầu thủ để họ hiểu rằng bên họ luôn có những tấm lòng.
TẤT ĐẠT