Tinh thần “Quả bóng vàng”

Kể từ năm đầu thành lập 1995 cho đến khi khẳng định uy tín giải thưởng cá nhân danh giá nhất Việt Nam, “Quả bóng vàng” đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lúc được “khuyên” là nên tạm hoãn tổ chức.

Tinh thần “Quả bóng vàng” ảnh 1

Các danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2004 (từ trái sang): Tài Em, Kim Hồng (QBĐ nam, nữ); Kim Chi, Công Vinh (QBV nữ, nam); Hồng Tiến, Bảo Khanh (QBB nữ, nam).

Các năm 2000 và 2001, sau thất bại ê chề của đội tuyển quốc gia tại Tiger Cup lần 3 và SEA Games 21, nhiều người có tư tưởng thối lui, vì cho rằng “không ai xứng đáng để đặt lá phiếu bầu chọn”. Rồi đến năm 2005, sau những tiêu cực bị phanh phui, liên quan đến vụ án tuyển thủ quốc gia bán độ, những người từng cho rằng mình là “bạn đồng hành” của Quả bóng vàng Việt Nam cũng đề nghị “rút”.

Song những ai thực sự tâm huyết với giải thưởng lại nghĩ khác. Hơn lúc nào hết, đây mới là lúc thể hiện tinh thần của “Quả bóng vàng”, là lúc mà bóng đá Việt Nam cần được củng cố, động viên nhiều nhất. Ý kiến của một doanh nghiệp có nhiều năm gắn bó với giải thưởng rằng: “Tại sao chúng ta cứ nói hoài đến chuyện tiêu cực mà không nghĩ đến những hạt nhân tích cực, những người có cống hiến rất tốt, được toàn xã hội ghi nhận. Ngay thời điểm này, họ xứng đáng được tôn vinh”.

Một đồng nghiệp cũng đồng tình với quan điểm trên: “Tôi thấy, nếu các bạn ngưng tổ chức cũng đồng nghĩa với việc cho rằng giải thưởng Quả bóng vàng trước đây đã xác định dành cho những Văn Quyến, Quốc Vượng …và đến khi không có họ thì không tổ chức được sao? Đó là sai lầm lớn. Ai có tội phải bị pháp luật trừng trị, còn ai có công cần tiếp tục được tôn vinh, khen thưởng. Vả lại, giải thưởng ghi nhận thành tích đóng góp của cá nhân cầu thủ trong suốt một năm dài, mà quan trọng nhất là trong màu áo câu lạc bộ, chứ đâu phải chỉ tính riêng thành tích thi đấu ở đội tuyển quốc gia”.

Các thành viên trong Ban tổ chức giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam” là những người phản ứng quyết liệt nhất khi có người cho rằng cần ngưng tổ chức giải thưởng một năm vì những chuyện không vui vừa qua của bóng đá. Họ cho đó là hành động tiêu cực.

Nhiều phương án tổ chức mới, hợp lý được đưa ra, kể cả cách làm đơn giản, những trang trọng theo kiểu của các đồng nghiệp nước ngoài như France Football (Pháp) hay World Soccer (Anh) đã được đưa ra tham khảo và nhận được sự nhất trí cao. Tuy nhiên, đề xuất của nhà báo Hồ Nguyễn, Trưởng ban Thể thao báo SGGP, Phó Ban tổ chức thường trực giải thưởng lại hợp lý nhất. Đó là việc trao thưởng ngay tại sân nhà của cầu thủ đoạt giải thưởng, ngay trước trận đấu tại V-League 2006. Tôn vinh cá nhân cần có sự “làm chứng” của người hâm mộ.

Chưa bao giờ mà “tinh thần Quả bóng vàng Việt Nam” lại lên cao như bây giờ.

  • Tiêu chí bầu chọn "Quả bóng vàng Việt Nam"

Cuộc bầu chọn danh hiệu “Quả bóng vàng Việt Nam” vẫn giữ nguyên tiêu chí về chuyên môn và đạo đức được đặt ra đối với các ứng cử viên (cầu thủ) tham gia cuộc bầu chọn, như đã đề ra từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1995. Tiêu chí gồm:

* Về chuyên môn:

Cầu thủ được bầu chọn phải thi đấu xuất sắc, phong độ ổn định ở một đẳng cấp cao, trong một thời gian dài suốt mùa bóng dưới màu áo câu lạc bộ của mình ở các giải đấu quốc gia, rồi mới đến màu áo đội tuyển tại các giải đấu quốc tế.

* Về đạo đức:

Cầu thủ được bầu chọn phải có tác phong thi đấu và đạo đức tốt trên sân cỏ cũng như sinh hoạt đời thường.

Cầu thủ được bầu chọn không bị kỷ luật ở cấp câu lạc bộ đến Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Đặc biệt, cầu thủ được bầu chọn không được dính líu với tiêu cực trong bóng đá lẫn ngoài xã hội, không bị pháp luật truy tố.

  • Phương thức bầu chọn "Quả bóng vàng Việt Nam 2005"

Do quỹ thời gian không còn nhiều, nên phương thức bầu chọn danh hiệu “Quả bóng vàng Việt Nam 2005” có một vài thay đổi nhỏ, cho phù hợp với thực tế. Phương thức bầu chọn như sau:

- Các đại biểu sẽ bỏ phiếu bầu 01 lần, dựa theo danh sách đề cử của Ban tổ chức.

- Các đại biểu vẫn được bầu chọn cầu thủ ngoài danh sách đề cử của Ban tổ chức, nhưng phải tuân thủ các tiêu chí đề ra ban đầu, mà quan trọng nhất là tiêu chí về đạo đức.

- Trường hợp Ban tổ chức phát hiện lá phiếu có cầu thủ không đạt tiêu chí về đạo đức thì có toàn quyền quyết định về tính hợp lệ của cầu thủ được bầu. Cụ thể, Ban tổ chức có quyền không công nhận vị trí mà cầu thủ đó được bầu. Các vị trí bầu chọn khác hợp lệ, vẫn được giữ nguyên.

- Hết thời hạn nộp phiếu, Ban tổ chức sẽ kiểm phiếu với sự giám sát của đồng nghiệp báo, đài, đại diện Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ba cầu thủ có số điểm cao nhất sẽ được trao tặng các danh hiệu Quả bóng vàng, bạc, đồng (3 điểm, 2 điểm, 1 điểm).

- Hệ thống giải thưởng:

Quả bóng vàng nam.

Quả bóng bạc nam.

Quả bóng đồng nam.

Quả bóng vàng nữ.

Quả bóng bạc nữ.

Quả bóng đồng nữ.

Cầu thủ trẻ nam xuất sắc nhất (từ 21 tuổi trở xuống).

Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất.

MINH HÙNG
 

Tin cùng chuyên mục