Hàng năm, tại TPHCM có khoảng 80.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp muốn kiếm việc làm, nhưng nhu cầu nhân lực có trình độ đại học của thành phố chỉ có khoảng 40.000 chỗ làm việc/năm. Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp chiếm đến 60% số người đang tìm việc ở TPHCM.
Loay hoay tìm việc
Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB-XH) trong công bố về thị trường lao động đầu năm 2015 đã cảnh báo: Số người thất nghiệp có trình độ đại học, sau đại học tăng khoảng 16.000 người so với cùng kỳ năm 2014 (gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp). Tại TPHCM, hàng năm, trong số 80.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng có nhu cầu tìm việc ở thành phố, có khoảng 55.000 người kiếm được việc. Một phần không nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp, ổn định.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM, về nhu cầu tìm việc làm của trên 50.000 cử nhân trong thời gian vừa qua, có khoảng 80% tốt nghiệp là tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc, phải chuyển ngành học hay làm những công việc có đòi hỏi thấp hơn trình độ đào tạo. Đặc biệt, trong số người tìm được việc làm, chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt; 50% vẫn phải loay hoay làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, tính chất việc làm chưa thật sự ổn định và có nguy cơ cao phải chuyển dịch. Nghịch lý ở TPHCM là đang thừa lao động không phù hợp và rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển của thành phố. Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, đang có nhu cầu tìm việc chiếm đến 60% số người đang tìm việc ở thành phố, còn doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).
Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp chiếm đến 60% số người đang tìm việc ở TPHCM
Nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này là chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu ngành nghề đào tạo, chuyên môn kỹ thuật của người lao động còn nhiều bất cập. Thị trường lao động đang thiếu nhiều lao động các nhóm ngành cơ khí, công nghệ dệt may, công nghệ thông tin, công nghệ nông - lâm… và lại thừa lao động có chuyên môn về kinh tế, quản trị, tài chính… Trong khi đó, công tác dự báo, thông tin thị trường lao động và tư vấn giới thiệu việc làm của thành phố lại chưa gắn kết sinh viên và doanh nghiệp; hệ thống thông tin thị trường lao động còn hạn chế, chưa tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, nhằm tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành.
Bản thân sinh viên cũng chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp - việc làm. Không ít cử nhân, thạc sĩ đánh giá quá cao vai trò của bằng cấp và hạ thấp tầm quan trọng của kỹ năng khiến họ lâm vào cảnh thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, ứng viên tìm việc có bằng cấp và kinh nghiệm cần thiết thì nhiều nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo - đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp - lại khó như mò kim đáy biển. Mặc dù không nhiều các nhà tuyển dụng đòi hỏi thẳng kỹ năng mềm của ứng viên trong các thông báo tuyển dụng, song kỹ năng mềm thực sự là những gì họ đang tìm kiếm khi tiếp xúc cũng như tiếp nhận ứng viên.
Có cần học đại học?
Doanh nghiệp không cần một người học thức rộng, bằng cấp cao mà chỉ cần một người có thể làm việc phù hợp vị trí nhu cầu tuyển dụng. Nói như vậy thì có cần học đại học không? Tôi cho rằng, rất nên học đại học. Song, người học phải chuẩn bị đầy đủ yếu tố mà thị trường lao động cần. Đó là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp. Khi tốt nghiệp, cần nhanh chóng tìm việc làm, xác định mục tiêu và đề ra hướng phát triển nghề nghiệp. Tấm bằng đại học chỉ đem lại nền tảng kiến thức ban đầu, điều còn lại là mỗi người phải tiếp tục làm giàu kiến thức của mình từ trải nghiệm thực tế và hoàn thiện những kỹ năng đã có được.
Làm thế nào để sinh viên được các doanh nghiệp tuyển dụng theo đúng nghề đã học và làm việc có hiệu quả? Trước hết, kỹ năng nghề của người lao động cần được nâng cao. Có thể hiểu đơn giản, kỹ năng nghề bao gồm 2 nhóm: kỹ năng cứng (bằng cấp - kinh nghiệm) và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng có thể đem đến cho sinh viên một buổi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, kỹ năng mềm mới là yếu tố chiến lược để nhận được cái gật đầu của nhà tuyển dụng, cũng như để duy trì và thăng tiến trong bất cứ ngành nghề nào.
Thực trạng mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng đang chứa đựng những mâu thuẫn rất lớn và thực sự cấp bách, đòi hỏi phải được giải quyết tốt và kịp thời để đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho người lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Điều cần thiết hiện nay là có nhiều giải pháp đồng bộ để nhanh chóng nâng cao nguồn nhân lực chất lượng và hạn chế nghịch lý. Rất cần thành phố định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập; đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ và hội nhập.
TRẦN ANH TUẤN
(Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM)