
Nếu như ở thời điểm đầu năm 2007 hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chỉ chưa đầy 33% thì vào thời điểm đầu năm 2008 các chuyên gia kinh tế xác định khả năng này đã lên đến 50%. Tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn nhất tại Wall Street Goldman Sachs thậm chí còn cho rằng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2008 là điều không thể tránh khỏi.
Không thể ngăn chặn được suy thoái?

Nhà xây lên,nhưng không ai mua
Báo USA Today số ra ngày 29-1 vừa qua dẫn kết quả thăm dò cho biết trong số 51 chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ được hỏi ý kiến trong thời gian từ ngày 23 đến 25-1-2008 có 50% nói rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2008. Đây là sự thay đổi so với kết quả điều tra hồi tháng 10-2007 khi mới chỉ có 30% các chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Những nguyên nhân khiến người ta ngày càng bi quan về nền kinh tế Mỹ là tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1-2008 đột biến tăng lên mức 5% so với mức trung bình 4,6% trong cả năm 2007. Cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong 16 năm qua trong lĩnh vực địa ốc tiếp tục kéo dài. Thị trường chứng khoán liên tục biến động trong khi các hoạt động cho vay ngày càng bị siết chặt do tình trạng nợ xấu.
Theo giới kinh tế, sau một giai đoạn tăng trưởng bình quân là sáu năm, nền kinh tế một quốc gia có thể đình trệ hay suy giảm và đó là quy luật tất yếu của lịch sử phát triển kinh tế thị trường. Từ hơn nửa thế kỷ nay, mỗi đợt suy giảm như vậy của nền kinh tế Mỹ thường kéo dài khoảng 10 tháng. Lần trước, kinh tế Mỹ bị suy giảm từ tháng 3 đến tháng 11-2001.
Thông thường, khi kinh tế suy giảm vì sản xuất giảm sút, chính phủ sẽ hạ lãi suất để kích thích tiêu thụ và nâng đà sản xuất. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả nhanh nhất. Kế đó là biện pháp thuế và bơm thêm tiền vào nền kinh tế để kích thích tiêu dùng. Thứ ba là biện pháp về cơ chế, giải tỏa ách tắc để nâng đỡ đầu tư và sản xuất, song hiệu quả rất chậm.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm qua đạt khoảng 14.000 tỷ USD. Khoản tiêm kích cầu của Nhà Trắng trị giá 1% GDP không phải là nhỏ. Nhưng vì nó không phải là liều thuốc chữa đúng bệnh, đúng thời điểm nên mới khiến các thị trường tài chính thất vọng và tuột giá liên tiếp.
Thứ nhất, biện pháp này được áp dụng quá trễ vì năm nay, dù Quốc hội có đồng ý với đề nghị của tổng thống thì cũng phải mất nhiều tuần mới được thông qua. Ngoài ra, nhân viên Cơ quan Thuế vụ Liên bang (IRS) và Bộ Tài chính lại đang ở giữa mùa khai thuế nên việc cấp phát chi phiếu giảm thuế sớm nhất cũng phải đến tháng 6 mới hoàn tất. Thứ hai, đây có thể chỉ là “liều thuốc gây mê” trong mùa tranh cử tổng thống của nước này.
Từ những phân tích trên, các nhà kinh tế cho rằng nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái là điều gần như không phải bàn cãi. Vấn đề là mức độ và thời gian suy thoái. Có 77% chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ sẽ chỉ rơi vào suy thoái trong một thời gian ngắn và không nghiêm trọng vì Nhà Trắng và Quốc hội đã nhất trí sớm thông qua kế hoạch trọn gói cứu vãn nguy cơ suy thoái trị giá 150 tỷ USD, cũng như các quyết định giảm mạnh lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Trong cuộc họp định kỳ vào ngày 31-1, FED đã quyết định cắt giảm thêm 0,5% lãi suất các khoản cho vay ngắn hạn từ 3,5% xuống còn 3% giữa các ngân hàng thương mại. Đây là quyết định cắt giảm lãi suất thứ hai liên tiếp của FED chỉ trong vòng 8 ngày để giúp nền kinh tế Mỹ tránh rơi vào suy thoái. Đa số các chuyên gia nhất trí với đánh giá cho rằng các cơ sở của nền kinh tế Mỹ vẫn lành mạnh và đến cuối năm 2008 sẽ phục hồi khi sức mua của người tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp gia tăng trở lại.
Phạm vi ảnh hưởng là toàn cầu hay cục bộ

Thị trường chứng khoán châu Á liên tục “hắt hơi” trước “cơn ốm nặng” của nền kinh tế Mỹ.
Khi suy thoái xảy ra, mức tiêu thụ tại Mỹ sẽ giảm mạnh kéo theo lượng hàng nhập khẩu của Mỹ cũng giảm. Mặc dù chỉ sản xuất hơn 27% tổng sản lượng của thế giới, song kinh tế Mỹ ảnh hưởng tới 60% đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Vì vậy, suy giảm tại Mỹ dễ kéo theo suy giảm tại các nước khác, đặc biệt là nước đối tác lớn của Mỹ ở châu Á.
Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Steven Dunaway hồi đầu tháng này cảnh báo kinh tế Mỹ suy thoái sẽ dẫn tới sự suy giảm về xuất khẩu của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á, mà đứng đầu là Trung Quốc.
Ông dự báo nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1%, tăng trưởng kinh tế của châu Á có thể sẽ bị giảm từ 0,5% - 1%, phụ thuộc vào những tác động từ Mỹ và tác động này sẽ là lớn nhất đối với các nước Đông Nam Á, nơi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp của Trung Quốc về xuất khẩu.
Ông Steven dự báo Trung Quốc sẽ hạ giá thành sản phẩm để giữ sức cạnh tranh, điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất tại Đông Nam Á và tại các nước khác đang cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế khác đặt kỳ vọng vào châu Á và các nền kinh tế đang “cất cánh” như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga khi cho rằng các nước đang vươn lên có đủ tầm vóc đóng vai trò đầu tàu cho kinh tế thế giới.
Theo ước tính của tập đoàn tài chính Mỹ Citigroup, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ giảm 1% sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm 1,3% do quy mô xuất khẩu giảm sút. Nhưng do tăng trưởng quá nhanh, nên Trung Quốc sẽ không bị “hụt hẫng”, và vẫn sẽ ở mức cao là 11% trong năm 2008.
Còn tập đoàn tài chính Mỹ Lehman Brothers dự báo rằng mặc dù dự báo tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2008 có thể sẽ giảm xuống còn 9,8%, nhưng đây vẫn là tốc độ tăng trưởng rất cao. Nhu cầu xuất khẩu giảm thậm chí sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc kiềm chế lạm phát, vốn đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Nhiều nhà phân tích kinh tế châu Á và thế giới đã nhất trí cho rằng châu Á có thể đứng vững trước ảnh hưởng của sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ vì các hoạt động thương mại và đầu tư vào châu lục này gia tăng khiến châu Á ngày càng ít phụ thuộc hơn vào kinh tế Mỹ so với trước đây. Đặc biệt, các nền kinh tế đang bùng nổ như Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ giúp châu Á khắc phục được ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Mỹ.
Tóm lại, nói như một nhà kinh tế Đức thuộc Ngân hàng Morgan Stanley, năm 2008 không phải là thời điểm bi đát nhất, vẫn còn các đầu tàu kinh tế vận hành tốt
HẠNH CHI tổng hợp