Hành trình lai dắt thành công đốt hầm 27.000 tấn

Hành trình lai dắt thành công đốt hầm 27.000 tấn

(SGGPO).- Lúc 7 giờ 40 phút sáng nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã bắn phát súng pháo hiệu màu xanh chính thức phát lệnh lai dắt đốt hầm số 1 (nặng khoảng 27.000 tấn), trong tổng số 4 đốt của hầm dìm vượt sông Sài Gòn, rời khu vực bể đúc ở Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, về vị trí lắp đặt tại TPHCM.

Thủy trình lai dắt đốt hầm. Đồ họa: Mai Thi

Thủy trình lai dắt đốt hầm. Đồ họa: Mai Thi

Hồi hộp xuất phát

Mới 4 giờ sáng, màn đêm còn bao phủ, nhưng bến phà Bình Khánh tấp nập hẳn so với những ngày trước đó. Lượng người đổ về bến phà mỗi lúc một đông, nhất là các cơ quan báo chí. Đến 4 giờ 45 phút, đoàn người đông đúc thêm, xe cộ xếp hàng dài chờ đợi để vào xem việc lai dắt đốt hầm đầu tiên.

Khi kim đồng hồ chỉ sang 5 giờ, tất cả phía nhà thầu Obayashi - Nhật Bản, kỹ sư Việt Nam, đội tàu lai dắt đã có mặt đông đủ tại hiện trường. Lúc này bầu trời huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai mới mờ sáng, nhưng tại khu vực bể đúc hầm ánh đèn cao áp sáng rực cả vùng trời, lấp lóa trên sông nước. Cứ độ năm mười phút, lác đác có vài ca nô chở các chuyên gia lai dắt hụ còi inh ỏi cập vào bãi đúc đốt hầm.

Đến khoảng 6 giờ, Thuyền trưởng chỉ huy chính việc lai dắt đã xuất hiện trên tháp chính đốt hầm cao 26m. Lần lượt lên tháp sau đó là các Hoa tiêu trong đội hình điều chỉnh lai dắt. Kế tiếp là nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn, các kỹ sư, được ca nô đưa lên đốt hầm để chuẩn bị cho công đoạn “nhổ neo” di chuyển đốt hầm. Tổng cộng quân số trên đốt hầm và 4 tàu lai dắt gần 100 người.

30 phút sau, dây neo của hai tàu lai dắt chính đã được móc vào hai góc của đốt hầm. Từ thời điểm này hệ thống bộ đàm của Hoa tiêu liên tục được phát ra những câu tiếng Anh. Vài ba phút lại phát ra tiếng Việt. Một kênh bộ đàm khác dành cho bộ phận cảnh sát chỉ huy luồng tuyến liên lục được chỉ đạo bởi chỉ huy trưởng Nguyễn Xuân Sang, Quyền Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM, đến các chốt chặn cũng như các tàu hộ tống, bộ phận chốt lưu động trong suốt hành trình lai dắt.

Lúc 7 giờ 40, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và vệ sinh môi trường nước TP đọc lệnh xuất phát trước sự chứng kiến của Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng các sở ban ngành và hàng trăm phóng viên báo đài.

Thời khắc xuất phát chính thức được ban hành bởi Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài bắn phát súng lệnh phát ra hai tia lửa đạn màu xanh. Hành trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm bắt đầu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đang bắn phát súng lệnh. Ảnh: Cao Thăng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đang bắn phát súng lệnh. Ảnh: Cao Thăng

4 chiếc tàu kéo công suất 3.500 mã lực đang thực hiện lai dắt đốt hầm rời khỏi khu vực sông Lòng Tàu. Ảnh: Cao Thăng

4 chiếc tàu kéo công suất 3.500 mã lực đang thực hiện lai dắt đốt hầm rời khỏi khu vực sông Lòng Tàu. Ảnh: Cao Thăng

Người dân đi phà Cát Lái tranh thủ đứng xem. Ảnh: Cao Thăng

Người dân đi phà Cát Lái tranh thủ đứng xem. Ảnh: Cao Thăng

Lực lượng giữ gìn an ninh- trật tự đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Cao Thăng

Lực lượng giữ gìn  an ninh- trật tự đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Cao Thăng

Như vậy, theo đúng kế hoạch thì thời điểm lai dắt bị trễ hơn 40 phút so với kịch bản ban đầu. Trong ngần ấy thời gian, sự lo lắng và sốt ruột bao trùm những người tham dự. Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua liên tục hỏi Thuyền trưởng (thông qua máy bộ đàm từ ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng phân ban dự án đại lộ Đông Tây - người trực tiếp theo dõi các thông số từ ban chỉ huy, thuyền trưởng, các hoa tiêu) vì sao chưa tiến hành lai dắt? Tất nhiên, cũng từ thời điểm này, máy bộ đàm của ông Vương Hoàng Thanh liên tục “ồn ào” bên tai, vừa nghe vừa hỏi vừa trả lời. Hai điện thoại di động của ông cũng đổ chuông liên tục.

Đúng 15 phút sau, máy bộ đàm của hoa tiêu trưởng thông báo vận tốc nước vượt 1 mức nên phải chờ thêm thời gian. Lúc này, mọi người mới hiểu rõ nguyên nhân vì sao, giảm bớt sự căng thẳng, lo âu. Ngay lúc đó, đồng chí Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: Ban quản lý dự án phải đảm bảo tốc độ an toàn, riêng về kỹ thuật nhà thầu và đơn vị lai dắt quyết định.

Ảnh: Cao Thăng

 Ảnh: Cao Thăng

Ảnh: Thái Bằng.

Ảnh: Thái Bằng.

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam: “Tôi mong chờ sự kiện quan trọng này đã 5 năm”

Trưa 7-3, ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản văn phòng Việt Nam (JICA) đã tổ chức họp báo và quan sát việc lai dắt đốt hầm từ tầng 8 khách sạn Majestic - một trong những vị trí quan sát tốt nhất.

Khi đoàn lai dắt đốt hầm xuất hiện lù lù giữa bến Nhà Rồng, khuôn mặt ông Tsuno Motonori giãn hẳn ra, thường xuyên xuất hiện nụ cười, sẵn sàng trả lời nhiều câu hỏi của báo chí. Ông nói:

Phần việc khó khăn nhất của dự án đã bắt đầu thực hiện. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, rất hài lòng. Đặc biệt công tác an ninh, an toàn đã được chuẩn bị rất chu đáo. Đối với việc chuẩn bị mặt đáy sông nơi đặt đốt hầm, đơn vị thi công tiến hành đào xúc sâu hơn 1m so với thiết kế. Kiểm tra đáy hầm bằng cách dò sóng siêu âm, hoặc đo trọng lượng. Khi dìm hầm đúng vào vị trí, khoảng cách bên dưới đáy hầm còn lại sẽ dồn cát vào. Vì hầm nổi, bơm nước ra cho chìm từ từ nên không bị lún. Về thời gian duy tu bão dưỡng, nhà thầu duy tu thực hiện một năm, sau đó sẽ bàn giao lại cho phía Việt Nam.

L.T - Q.H


Ảnh: Cao Thăng

Ảnh: Cao Thăng

  • Về đích an toàn

7 giờ 45 phút, đốt hầm bắt đầu từ từ quay theo chiều dọc cũng chính là chiều lai dắt từ bể đúc về đích. Từ thời điểm này máy bộ đàm chỉ huy bảo bệ an toàn cảnh sát giao thông đường thủy liên tục chỉ đạo đến các chốt chặn nào là luồng tuyến từng đoạn trước khi đốt hầm đi đến, tàu thuyền phải cho đậu sát vào mép sông… Và cứ thế, nhịp nhàng các tàu lai dắt đều đều tiến về phía trước. Lâu lâu tín hiệu từ hoa tiêu trưởng phát ra tàu số 2 chạy thẳng, tàu số một theo hướng đồng hồ…

8 giờ 42 phút, đến khu vực sông Nhà Bè, Ban an toàn lệnh cho các chốt chặn dọn dẹp các tay lưới của người dân đang đánh bắt tại khu vực này mặc dù không nằm trong vùng luồng lạch đốt hầm đi qua, nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Sắp rẽ vào ngã ba Đèn đỏ, toàn bộ các hoa tiêu, thủy thủ trên đốt hầm và 4 tàu lai dắt đều đứng bật dậy, 4 tàu và đốt hầm từ từ dừng lại để thu dây cáp ngắn lại còn khoảng 30m (lúc đầu dây cáp dài 50-60m) và đốt hầm tiếp tục tiến về đích. Tại khúc cua này việc lai dắt dự kiến sẽ khó khăn. 10 giờ đốt hầm được khéo léo đưa từ từ dưới gầm cầu Phú Mỹ dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người dân đứng hai bên gầm cầu và dọc theo mé sông. Trên cầu Phú Mỹ có gần 200 phóng viên cùng các máy quay, máy chụp ảnh bấm, lia liên tục. Trước đó, lúc 9 giờ, hai đầu cầu Phú Mỹ quận 7 Cảnh sát giao thông đã chặn không cho người dân lưu thông hướng từ quận 2 sang quận 7 và ngược lại.

Như vậy, dù khởi hành tại bể đúc trễ hơn dự kiến 40 phút nhưng việc lai dắt đốt hầm đi qua cầu Phú Mỹ tại thời điểm này chỉ trễ hơn với thời gian dự kiến ban đầu chừng 10 phút. Điều này cho thấy vận tốc di chuyển trên sông khá nhanh so với thời gian dự kiến trước đó. 

Qua khỏi cầu Phú Mỹ, tàu lai dắt di chuyển chậm hẳn so với lộ trình trước đó. Đến khu cảng Bến Nghé người dân đứng dọc bờ sông xem đốt hầm đi qua rất đông. Người nào cũng chụp hình, ai có gì chụp nấy, nào mấy chụp hình, điện thoại trong đó rất nhiều người quay phim.  

Hành trình lai dắt thành công đốt hầm 27.000 tấn ảnh 9

Lai dắt đốt hầm số 1 vào hầm phía Thủ Thiêm. Ảnh: Cao Thăng

12 giờ 30, đoàn tàu về đến cảng Sài Gòn. Tại khu vực này do luồng lách hẹp nên các tàu lai dắt đi với tốc độ chậm. Lúc 12 giờ 37 đoàn tàu lai dắt về đến Bến Nhà Rồng. Ngay sau đó, chỉ huy đoàn tàu àn toàn cho phép bến phà An Lợi Đông hoạt động trở lại, tàu bè từ kênh Tẻ qua sông Sài Gòn được phép rẽ về phía hạ lưu, không được phép chạy về hướng thượng lưu sông Sài Gòn, nơi đoàn tàu đang lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm đến vị trí dìm đốt hầm.

Đốt hầm di chuyển qua khu vực phường Thủ Thiêm, quận 2, hàng ngàn người dân tập trung tại khu bờ sông Sài Gòn, người trèo lên cây, kẻ leo nóc nhà để theo dõi việc lai dắt có một không hai này, mặc dù trời nắng gay gắt.

12 giờ 50, đoàn tàu bắt đầu vào vị trí đặt đốt hầm Thủ Thiêm phía quận 2. 13 giờ 30 đốt hầm số 1 được đưa vào vị trí đã được định sẵn trên sông Sài Gòn cách bờ sông 20m. 15 phút sau đó, công tác thực hiện xoay đốt hầm và neo đậu, chuẩn bị cho công tác dìm hầm đã được hoàn thành.

Đến 14 giờ cùng ngày việc xoay đốt hầm và neo đậu vào vị trí dìm hầm đã thực hiện hoàn tất. Phía trên bờ sông Sài Gòn, Quận 1, hàng ngàn người dân đổ dồn về phía bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng xem đốt hầm khiến khu vực này kẹt xe nghiêm trọng.

Đốt hầm số 1 đã được cố định vào lúc 15 giờ 30 phút. Ảnh: Cao Thăng

Đốt hầm số 1 đã được cố định vào lúc 15 giờ 30 phút. Ảnh: Cao Thăng

Phía đầu quận 2, nơi đốt hầm dìm Thủ Thiêm vừa lai dắt sẽ nối vào trong ngày 8-3-2010. Ảnh: Thái Bằng.

Phía đầu quận 2, nơi đốt hầm dìm Thủ Thiêm vừa lai dắt sẽ nối vào trong ngày 8-3-2010. Ảnh: Thái Bằng.

Cửa dẫn vào hầm Thủ Thiêm phía quận 2. Ảnh: Đức Thành

Cửa dẫn vào hầm Thủ Thiêm phía quận 2. Ảnh: Đức Thành

Theo kế hoạch, 9 giờ sáng 8-3 sẽ chính thức thực hiện việc dìm đốt hầm đầu tiên nặng 27.000 tấn. Công việc này sẽ kéo dài đến 23 giờ đêm cùng ngày.

Hiện nay, do khu vực xung quanh bến Bạch Đằng không cho tàu bè lưu thông qua lại nên những chuyến tàu cao tốc khởi hành từ bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu bị tạm ngưng lưu thông trong vòng 36 giờ. Đến 0 giờ ngày 9-3 tàu cao tốc đi Vũng Tàu mới hoạt động trở lại.

Quốc Hùng - Lương Thiện

Video: Minh Sĩ - Thái Bằng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: Hết sức hạnh phúc và tự hào

Tôi được giao chỉ đạo trực tiếp công tác chỉ đạo lai dắt đốt hầm, đến giờ phút này tôi hết sức hạnh phúc và hết sức tự hào. Bởi lẽ, đây là công trình không chỉ lớn về mặt quy mô mà còn hết sức phức tạp về mặt kỹ thuật, lần đầu tiên chúng ta trực tiếp thực hiện. Vì vậy, trước khi lai dắt chúng tôi hết sức quan tâm, dự trù hết những tình huống phức tạp. Đặc biệt là việc lai dắt một đốt hầm nặng 27.000 tấn trên thủy trình 22km trong điều kiện luồng tuyến không phải là thuận lợi. Có thể nói rằng, do phương án chuẩn bị rất kỹ và tinh thần trách nhiệm của các lực lượng phối hợp rất cao, nên kết quả đảm bảo theo đúng kịch bản. Đến thời điểm này chúng tôi tin rằng việc dìm đốt hầm cũng sẽ đạt kết quả thành công như mong muốn.

“Lý lịch” hầm Thủ Thiêm

Hạng mục hầm ngầm và đường dẫn hầm Thủ Thiêm trị giá hơn 2.200 tỷ đồng, do nhà thầu Obayashi Corporation thi công, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản.

Theo hồ sơ thiết kế, hầm dìm Thủ Thiêm thuộc gói thầu số 2 của Dự án Đại lộ Đông - Tây có chiều dài 1.490m, nối từ quận 1 sang quận 2. Đoạn hầm dìm dưới lòng sông Sài Gòn dài 371m chia làm 4 đốt hầm, mỗi đốt dài 92,4m, rộng 33,2m, cao 9m, nặng 27.000 tấn. Hầm được thiết kế cho 6 làn xe, có hành lang cho người đi bộ và cả hành lang thoát hiểm.

Vị trí xây dựng hầm Thủ Thiêm từ khoảng giữa cầu Calmette và cầu Mống (quận 1), chìm xuống lòng đất qua sông Sài Gòn đến phường Cây Bàng (quận 2).

Khởi công ngày 16-2-2005, đến tháng 9- 2007 đốt hầm đầu tiên được đúc, giữa năm 2008, cả 4 đốt hầm được đúc xong. Tuy nhiên, tháng 6-2008 đã xảy ra sự cố rạn nứt 4 đốt hầm dìm. Cụ thể, các đốt hầm (phần dìm dưới sông) đều xuất hiện nhiều vết nứt trên 2 bức tường vách và bản nắp. Các vết nứt ở thành tường kéo dài từ 2m-3m, bề rộng lớn nhất của vết nứt là 1mm (trong khi đó, theo tiêu chuẩn JSCE 2002 do nhà thầu Obayashi đưa ra thì mức độ bề rộng vết nứt gây ra ăn mòn cốt thép cho phép đối với hầm là dưới 0,28 mm). Ngoài ra, các phân đoạn đổ bê tông của mỗi đốt hầm thẳng đứng cũng có những vết nứt kéo dài gần như cao hết chiều cao đốt hầm, bề rộng vết nứt đến 0,3 mm. Công trình phải gián đoạn gần một năm để tìm kiếm giải pháp khắc phục sự cố.

Nguyên nhân gây nứt được nhà thầu Obayashi - Nhật Bản giải thích là do co ngót bê tông, hàm lượng nước/xi măng ít hơn 0,40, việc phân tầng trong bê tông, và do điều kiện môi trường. Trong khi đó, đơn vị Tư vấn PCI cho rằng ngoài các nguyên nhân trên, bê tông nứt còn có một phần nhỏ do vật liệu xi măng loại nhiệt thủy hóa thấp của Holcim có đặc tính dễ trương nở khi nắng, ngoài ra còn do tay nghề của công nhân… Khắc phục sửa chữa những vết nứt sâu bằng bơm, tiêm; những vết cạn thì quét bằng phụ gia chuyên dụng. Sau này hầm sẽ được căng cáp. Theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi căng cáp thì các vết này sẽ mất đi.

Q.H - L.T

Câu chuyện đúc hầm

Khi tháp tùng đoàn lai dắt, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với anh Nguyễn Đỗ, kỹ sư trưởng của đại công trường đúc hầm Thủ Thiêm. Suốt chuyến đi, nghe anh kể chuyện, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Ngày 13-9-2007, 500 cán bộ, công nhân do nhà thầu Obayashi tuyển trạch chính thức bắt tay đúc đốt hầm đầu tiên. Khu vực đúc hầm rộng 7,5 ha/tổng diện tích 25ha tại huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. “Đây là một công trình đáng nhớ, sẽ theo tôi mãi cuộc đời” - anh Nguyễn Đỗ chậm rãi kể lại. Câu chuyện đúc hầm không giống bất cứ kiểu làm thông thường nào, sự “kỳ lạ” diễn ra ngay công đoạn đầu tiên. Trước khi đúc hầm, phải đắp một đoạn đê dài 350m, sâu 20m được đóng 2 lớp cừ bằng thép, luôn hơn mức nước cao nhất của sông Lòng Tàu 1m, nhằm ngăn nước sông tràn vào bể đúc. Bể đúc sâu 10m so với mặt đất, đáy bể được giữ ổn định bằng cọc xi măng trộn đất, đường kính 1,2m. Khi kiểm tra, đất ổn định đạt mức chịu lực 2,5kg/cm2 mới tiến hành thi công.

Vật liệu và cách làm cũng hết sức kỳ lạ. Xi măng dùng để trộn bê tông là loại tỏa nhiệt, bê tông được trộn với đá bào (đá lạnh, đem bào nhỏ) thay vì dùng nước thông thường để đảm bảo cho khối bê tông luôn ở nhiệt độ dưới 24 độ C. Quy trình trộn bê tông như sau: Đá bào lạnh, đá sỏi và xi măng được đưa vào bể trộn bê tông. Xe chở bê tông với thùng đựng bê tông được bọc bằng vải thấm nước lạnh. Mẻ bê tông đầu tiên được đổ xuống, lẫn trong giàn cốt thép là những ống đồng nhỏ, đường kính hơn chục mm để tuần hoàn nước trong khối bê tông, nhằm giữ cho bê tông luôn mát. Trong suốt quá trình đổ bê tông, đổ đến đâu thì mái che phủ liền đến đó để không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp. Tất cả những công đoạn trên giữ cho đốt hầm không bị rạn nứt sau này.

Kỹ sư Nguyễn Đỗ tổng kết lại những gian nan của việc đúc hầm: Khó khăn rất nhiều, nhất là công trình lớn, kết cấu siêu trường siêu trọng lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, lại trên nền đất yếu. Khâu đúc hầm được chia ra từng công đoạn nhỏ để thực hiện từng đợt. Cái khó nhất trong suốt quá trình đúc là xây dựng ra bể đúc, ổn định đáy dóc (đáy cuối cùng dưới bể) để không xảy ra sạt lở khi bị áp lực nước sông lớn. Tiếp theo là thi công nền của bãi đúc để đảm bảo tải trọng của mỗi đốt hầm.

“Vì sao không đúc các đốt hầm gần nơi dìm mà phải đúc ở một nơi xa dẫn đến việc lai dắt một công đoạn được cho là rất khó khăn và tốn kém?” - chúng tôi đặt câu hỏi mà dư luận băn khoăn. Kỹ sư Nguyễn Đỗ giải thích: “Vì đây là một công trình siêu trường siêu trọng, phải lai dắt trên sông mới kéo đốt hầm lên được. Do đó cần phải có một khu đất đủ lớn và dòng sông đủ rộng”. Đáng tự hào là việc đúc hầm do toàn bộ kỹ sư công nhân Việt Nam thực hiện. Anh khẳng định những công trình tương tự sắp tới - nếu có - với đội ngũ công nhân đã học hỏi được kinh nghiệm, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được.

Q.H. – L.Th.

Những đường hầm nổi tiếng thế giới

Đường hầm qua eo biển Manche nối liền Anh và Pháp là đường hầm chạy dưới đáy biển dài nhất thế giới với chiều dài 37,9 km và chỗ sâu nhất là 75m dưới mực nước biển.

Đường hầm vượt biển dài nhất thế giới là đường hầm Seikan của Nhật, dài 53,85km và sâu đến 240m dưới mực nước biển. Đoạn ngầm qua biển của đường hầm Seikan chỉ có 23,3km ngầm và là hầm đường sắt sâu nhất thế giới. Đường hầm này chạy bên dưới eo biển Tsugaru - nối quận Aomori trên hòn đảo Honshu của Nhật với đảo Hokkaido - như một phần của tuyến đường Kaikyo của Công ty Đường sắt Hokkaido. Kỷ lục đường hầm dài nhất này sẽ bị phá khi đường hầm Gotthard Base, một hầm đường sắt châu Âu, được hoàn thành vào năm 2018.

Đường hầm qua lòng sông sâu nhất thế giới là hệ thống đường hầm metro ở TP Saint Petersburg (Nga). Do thành phố nằm trên một khối địa chất đá cứng nên các kỹ sư phải đào thật sâu dưới lòng đất và xuyên qua lòng sông Neva mới có thể xây dựng được. Một nguyên nhân nữa là do hệ thống được xây từ thời chiến tranh lạnh nên còn nhằm phục vụ như một hệ thống hầm ngầm tránh bom. Ở chỗ sâu nhất, đường hầm ở vào khoảng 105m dưới mực nước biển.

Thủ đô Luân Đôn (Anh) có nhiều đường hầm xuyên qua sông nhất với tất cả 20 đường hầm xuyên qua sông Thames và hiện có 4 dự án khác đang được thi công. Đường hầm Thames là đường hầm xuyên qua sông đầu tiên trên thế giới, hoàn thành từ năm 1843 và dài 396m, sâu 23m. Sở dĩ Luân Đôn có nhiều đường hầm xuyên qua sông nhất là vì sông Thames có lưu lượng tàu thuyền đi lại tương đối dày đặc.

Đường hầm xuyên qua sông Dương Tử, Trung Quốc có đường kính 15,43m, được khánh thành vào ngày 31-10-2009.

V.Trung (Tổng hợp)

Thông tin liên quan

- Diễn tập lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm - Tất cả vì sự an toàn

- Lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm: Chuẩn bị kỹ, thực hiện nghiêm

- Ngày 7 và 8-3, ngưng lưu thông trên sông Sài Gòn để dìm đốt hầm Thủ Thiêm

- Dự án đường hầm Thủ Thiêm - Đầu năm 2010 dìm đốt hầm đầu tiên

Tin cùng chuyên mục