Tỏa hương cho đời

Họ là những người có nghị lực vượt khó phi thường để trở thành những phụ nữ thành đạt, góp phần tỏa hương cho đời.
Tỏa hương cho đời

Họ là những người có nghị lực vượt khó phi thường để trở thành những phụ nữ thành đạt, góp phần tỏa hương cho đời.

1. Mới 16 tuổi, chị đã biết yêu và lấy chồng. 20 tuổi chị đã có… 3 đứa con. Sớm phải chia tay chồng, chị đưa con từ Nghệ An lên Hà Nội thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa. Không thể kể xiết gian nan, chị một mình nuôi con và âm thầm học tập để từ một phụ nữ tỉnh lẻ trở thành một nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước. Được nhận giải thưởng Kovalepskaia, chị càng tỏa sáng hơn… Chị là PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn chống thấm Kova tại TPHCM.

Chị cho biết: “Khi vừa đạt độ chín của người nghiên cứu khoa học thì tôi lại đến tuổi nghỉ hưu, cũng hơi luyến tiếc vì không có điều kiện cống hiến. Nhưng với bản tính không chịu đầu hàng số phận, tôi đã vượt lên chính mình bằng cách sang Mỹ học cách chế biến sơn…”.

Lần đầu tiên sang Mỹ, hành trang của chị là 40kg gạch, đá, sơn… Đến đất Mỹ, chị không có tiền nghỉ khách sạn nên phải chợp mắt tại gầm cầu thang sân bay. Thế nhưng, sáng ra, chị vẫn có mặt tại hội nghị bàn về cách sản xuất sơn chống thấm. Về nước, chị mở phòng thí nghiệm ngay tại nhà riêng. Ít lâu sau, chị đã nghiên cứu thành công mặt hàng sơn Kova (lấy tên từ giải thưởng Kovalepskaia) và tung ra thị trường. Đến nay chị trở thành Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn chống thấm Kova với 6 nhà máy ở khắp các tỉnh thành, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Không chỉ giỏi việc nước, chị còn nuôi dạy 3 người con khôn lớn nên người và các con chị rất tự hào về người mẹ tuyệt vời của mình.

2. Những nữ trí thức vượt khó bằng niềm đam mê khoa học cháy bỏng, còn nữ nông dân Huỳnh Thị Thu Giang, ngụ tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức lại vươn lên bằng chính công sức lao động của mình. Chị kể: “Tình cờ có người bạn đi du lịch nước ngoài về tặng vợ chồng tôi cây cọ lá bạc, một loại cây lạ ít người biết đến. Thấy cọ đẹp quá, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng loại cây này”.

Tuy vốn liếng eo hẹp, diện tích đất đai ít ỏi nhưng chị vẫn nuôi quyết tâm. Cây cọ bạc có xuất xứ từ Mỹ nên muốn mua cây giống phải nhờ những người đi du lịch nước ngoài tìm mua giúp. Giá cây giống 40.000 – 50.000 đồng/cây, vợ chồng chị gom được 1,5 triệu đồng, mua được 30 cây. Chăm cây cọ cảnh vất vả như chăm con và phải chờ 3 năm sau mới thu hoạch. Trong thời gian chờ đợi, chị tranh thủ trồng thêm nhiều cây kiểng ngắn ngày bán cho thương lái để lấy ngắn nuôi dài. Rồi thời gian trôi qua, khi những cây cọ vừa xòe lá là đã có thương lái tìm đến mua. Mỗi cây cọ có giá trung bình 900.000 - 1,4 triệu đồng, cây cao từ 1,6m trở lên là phải trên 4 triệu đồng. Giá đắt vậy nhưng vẫn “cháy” hàng, vì giống cọ này vừa đẹp, vừa có tuổi thọ cao.

Có thu nhập, chị mua thêm đất, mở rộng diện tích lên 4.500m² để trồng cọ. Giờ đây, chị trở thành nữ tỷ phú miệt vườn chuyên cung cấp cây cọ kiểng cho các công viên ở TP, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, sân golf ở Vũng Tàu, Long Thành - Đồng Nai, Phan Thiết, Hà Nội và xuất khẩu cả sang Campuchia. Khi cuộc sống tạm ổn, chị tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh giống mình trước đây.

3. Bà con phường 8, quận Tân Bình thường trìu mến gọi chị Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, là “bà hòa giải” (ảnh) vì chị rất mát tay hòa giải thành cho gần 30 cặp vợ chồng cơm không lành canh không ngọt. Chẳng biết chị thủ thỉ khuyên can thế nào mà các cặp vợ chồng trở nên yêu nhau hơn, có trách nhiệm với các con hơn.

Chị kể: “Có một phụ nữ trong phường vì thương 2 con gái nhỏ mà phải chịu đựng cảnh chồng đánh đập suốt 9 năm trời. Lúc nào, người chị cũng bầm dập vì đòn roi của chồng mà không dám kêu cứu. Chúng tôi đã tìm đến nhà can thiệp giúp chị thoát khỏi nạn bạo hành. Bây giờ, chị ấy đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống…”.

Để hòa giải thành công các vụ ly hôn không phải dễ, đòi hỏi người cán bộ hội phải thật sự có uy tín. Ở nhà, chị Liên là người vợ, người mẹ đảm đang, cùng chồng nuôi dạy hai con khôn lớn, học giỏi. Ra xã hội, chị Liên không những là cán bộ tận tâm mà còn luôn dịu dàng nhân hậu chăm lo cho những cảnh đời bất hạnh. Vì vậy, khi chị khuyên nhủ đều được mọi người nghe theo. Với chị, việc chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng của chị em là trách nhiệm của người cán bộ hội nên chị luôn yêu công việc mà mình theo đuổi.

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục