Các sự kiện thường có quan hệ mắt xích với nhau nhưng đôi khi khó nhận ra. Theo tờ Le Monde của Pháp, những sự kiện “nóng” thời gian qua từ giải giáp vũ khí hóa học Syria, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, cho đến Mỹ điều động 2 máy bay ném bom B52 thách thức Trung Quốc hay Ukraine đứng giữa ngã ba đường trong việc chọn lựa giữa Nga và phương Tây tưởng chừng như không liên quan lại chỉ xoay quanh một vấn đề: chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ.
Liên quan đến Trung Đông, một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi báo chí Mỹ tiết lộ những cuộc đàm phán bí mật giữa Iran và Mỹ về chương trình hạt nhân Tehran lại diễn ra cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định chuẩn bị không kích vào Syria với cáo buộc Chính phủ Syria giết hại thường dân bằng vũ khí hóa học. Nhìn lại diễn biến này, có thể thấy rõ sự thay đổi của Tổng thống Mỹ trong việc tiếp cận hồ sơ Syria. Tưởng như tên lửa Tomahwak chuẩn bị được phóng vào Syria khi mà ông Obama thể hiện sự quyết tâm, trong khi các đồng minh, đặc biệt là Pháp ra sức ủng hộ thì bất ngờ, Tổng thống Mỹ quay ngoắt 180o tuyên bố kế hoạch tấn công phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Sau khi tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội, kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ vào Syria bị bác bỏ. Nhiều người nhận định Mỹ có lẽ đã quá mệt mỏi với can dự quân sự. Một số khác thì cho rằng đó là do thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Iran. Liệu có một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên như vậy không khi cuộc không kích vào Syria bị ngừng lại thì ngay lập tức kênh đàm phán bí mật với Iran lại được mở ra?
Đối với Mỹ, Syria chỉ là vấn đề rất nhỏ so với hạt nhân Iran. Tổng thống Obama kỳ vọng sẽ có bước đột phá lịch sử đối với Iran, một trong quốc gia có ảnh hưởng Trung Đông. Tờ New York Times đã từng nhận định việc Mỹ đạt thỏa thuận bước đầu với Iran về chương trình hạt nhân nước này sẽ giúp Mỹ đạt được 2 mục đích: cản trở việc mở rộng chương trình hạt nhân của Tehran và giúp Mỹ tránh khỏi phải can dự một cuộc chiến khác tại Trung Đông. Khi không còn phải vướng bận nhiều với Trung Đông, Mỹ có thể dồn lực để hướng Đông, xoay trục về châu Á.
Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ lại đang bị Trung Quốc thách thức. Việc Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) trên biển Hoa Đông là một phép thử trong năng lực bảo vệ đồng minh của Washington tại khu vực, cũng như chính sách xoay trục về châu Á. Ngay lập tức, Mỹ đáp trả bằng việc điều động 2 máy bay ném bom B52 đến khu vực này mà không thông báo lịch trình bay như Trung Quốc yêu cầu. Đối đầu trực diện giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu.
Vậy sự kiện Ukraine đứng giữa ngã ba đường trong việc lựa chọn giữa châu Âu và Nga có liên quan gì đến Mỹ? Câu trả lời là có. Trong chính sách đối ngoại, giữ quan hệ ngoại giao với Nga về chương trình hạt nhân của Iran là một trong những ưu tiên của Mỹ. Vì vậy, việc các đồng minh phương Tây đang chịu sức ép từ phía Nga trong việc tranh giành ảnh hưởng ở các nước thuộc Liên Xô cũ không làm Mỹ bận tâm bởi Mỹ cần Nga trong hồ sơ Syria và Iran.
Chính sách ngoại giao của ông Obama khác hẳn với các vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm khi Tổng thống G.W.Bush hay Bill Clinton luôn hướng tới mở rộng việc mở rộng cấu trúc châu Âu-Đại Tây Dương. Điều này không có gì khó hiểu bởi ông Obama đang thực hiện những gì đã tuyên bố khi nắm quyền: “Tôi muốn là Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ”.
ĐỖ CAO