Toan tính và thách thức

Chưa đầy 10 ngày ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại với quốc gia láng giềng Mexico: ngăn cản các tập đoàn xe hơi đầu tư vào Mexico, đòi đàm phán lại Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) liên kết Mỹ với Canada và Mexico, quyết định xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico...

Sau khi ký NAFTA vào năm 1994, kinh tế Mexico từ nhập siêu thành xuất siêu với Mỹ. Năm 2016, Mexico xuất siêu vào Mỹ đạt 60 tỷ USD. Mỹ bị nhập siêu gần 700 tỷ USD/năm, trong đó, 60 tỷ USD với Mexico không phải là lớn nhất, chiếm chưa tới 9%. Thế nên, theo giới quan sát, tân chính quyền Washington chọn quốc gia láng giềng phía Nam là đối tượng đầu tiên để làm gương cho các nước khác từ Trung Quốc đến Đức hay Nhật Bản. Cố Tổng thống Mexico Porfirio Diaz đã từng có câu nói đi vào lịch sử: “Tội thay cho Mexico, Thượng đế thì xa, nước Mỹ thì gần”. Mexico trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên trong chính sách bảo hộ mậu dịch của tân chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, để từ đó Mỹ cho từ Trung Quốc tới Đức hay Nhật Bản biết rõ ý chí của mình.

Tuy nhiên, với dự án xây bức tường biên giới mà mọi phí tổn sẽ do phía Mexico chi trả theo như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, đến đề xuất đánh thuế hàng Mexico nhập vào thị trường Mỹ 20% để lấy tiền xây bức tường đó, đài RFI cho rằng ngoài vấn đề kinh tế, Mỹ còn nhắm tới vấn đề an ninh trong nước. Di dân bất hợp pháp vào Mỹ không chỉ có người dân Mexico mà còn là người dân từ Nam Mỹ chạy qua Mexico để vào Mỹ. Có sự kiện ít được người chú ý đến là việc chính phủ Mexico kiểm soát rất khắt khe biên giới tại miền Nam để chặn làn sóng di dân từ Trung Mỹ và Nam Mỹ trong khi dễ dàng cho người dân Mexico vào Mỹ kiếm việc và gửi tiền về cho gia đình.

Do quan hệ lịch sử giữa hai nước, nhiều người Mexico coi miền Nam của Mỹ là lãnh thổ của mình và dù sống tại Mỹ nhưng họ vẫn coi Mexico là quê hương. Khác hẳn di dân từ châu Âu hay châu Á được phân tán trong lãnh thổ Mỹ, người Mỹ gốc Mexico tập trung tại vùng biên giới từ Florida, Louisiana qua Texas, New Mexico, Arizona hay California tới Oregon, củng cố ảnh hưởng của họ nhờ thành phần người gốc Mexico này. Đây là vấn đề lo lắng “nhiều kỳ” của Mỹ. Cuối cùng, không thể quên Mexcico còn là nơi đưa cần sa vào Mỹ và nhiều tổ chức ma túy cũng là mạng lưới tổ chức cho dân Mexico nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Vì vậy, chính quyền tân Tổng thống Donald Trump mới coi việc kiểm soát biên giới Mỹ - Mexico là một ưu tiên về an ninh và đòi xây tường chạy dọc biên giới giữa hai nước.

Nhưng khi chính sách trên được thực thi, Chính phủ Mỹ sẽ phải đứng trước một loạt câu hỏi: các tập đoàn Mỹ sẽ ra sao khi đã đầu tư vào các cơ sở sản xuất ở Mexico để dùng quốc gia có nhân công rẻ này như một cánh cổng mở ra thị trường với 44 quốc gia mà Mexico đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch? Người tiêu dùng Mỹ nghĩ liệu có chịu chi ra hơn 1.000 USD cho một chiếc điện thoại iPhone thay vì 690 USD (giá trung bình) nếu smartphone trên được sản xuất 100% trên lãnh thổ Mỹ một khi các nhà máy ở Mexico và nhất là châu Á đã phải đóng cửa? Toan tính về kinh tế và an ninh của Tổng thống Donald Trump đang đặt Mỹ trước nhiều thách thức.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục