Tội ác chất độc da cam

LTS:
Tội ác chất độc da cam

LTS: Tưởng niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, ông André Bouny, người thành lập và đứng đầu Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (CIS), tác giả cuốn Chất độc da cam - Thảm họa Việt Nam, đã có bài viết riêng cho Báo Sài Gòn Giải Phóng. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc.

Tôi thành lập CIS từ năm 2004 với mục đích ban đầu hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong vụ kiện trên đất Mỹ. Không lâu sau đó, ủy ban này đã có sự tham gia của nhiều nhân vật đến từ các lục địa, những “cây cao bóng cả” trong các ngành nghề khác nhau. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không hề có mối liên kết ràng buộc nào trong ủy ban này, ngoại trừ một thứ duy nhất là tìm kiếm công lý. Bởi đây là cách đối xử nhân đạo không thể không thực hiện đối với số nạn nhân đã lên tới hàng triệu người, bảo vệ và giúp đỡ họ thoát khỏi sự bất công mà không màng tới sự khác biệt ý thức hệ hay tôn giáo.

Ông André Bouny và quyển sách Chất độc da cam - Thảm họa Việt Nam.

Ông André Bouny và quyển sách Chất độc da cam - Thảm họa Việt Nam.

Ủy ban này đã dẫn dắt tôi tới trình bày trước Liên hiệp quốc vào tháng 3-2007. Thật ngạc nhiên khi tại một nơi bao gồm những con người rất thông minh, am hiểu tình hình, chuyên bàn thảo về những vấn đề vĩ mô trên thế giới và cùng làm việc để tìm ra giải pháp, lại là lần đầu tiên họ nghe trình bày về chất độc da cam. Thậm chí, nhiều người trong hội đồng còn vô cùng kinh ngạc khi nhận ra rằng bản thân họ vô cùng thiếu hiểu biết về chất hóa học này. Nhưng trong các diễn đàn dạng này, mục đích không phải là đi sâu vào chi tiết, mà là thức tỉnh lương tri.

Đến cuối tháng 6-2010, Liên hiệp quốc chấp nhận giải ngân 5 triệu USD như một phần đóng góp tham gia tẩy độc chất da cam/dioxin tại căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Biên Hòa. Có thể số tiền này rất nhỏ bé, nhưng ít nhất nó cũng là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với tác hại của chất độc da cam tại Việt Nam vì tổ chức này có không dưới 192 thành viên.

CIS đã làm tròn vai trò của mình qua suốt 3 vụ kiện tại Hoa Kỳ. Sẽ rất tẻ nhạt nếu kể tại đây các diễn biến dẫn tới sự chối bỏ công lý từ Tòa án sơ thẩm Đông New York cho đến Tòa phúc thẩm liên bang ở vòng hai. Cuối cùng, các nạn nhân kháng án lên Tòa án tối cao của Mỹ, cấp xét xử duy nhất có thẩm quyền vận dụng Hiến pháp hoặc luật liên bang theo từng trường hợp. Quy định của tòa có 9 thẩm phán này là một vụ kháng cáo sẽ được tiếp nhận nếu 1/3 thẩm phán ủng hộ. Nhưng đã không có một ai ủng hộ để nhận đơn khiếu nại. Đơn đã bị bác, không có lý do.

Tuyên bố của Chính phủ Bush lúc bấy giờ: “Nếu mọi đòi hỏi của người khiếu kiện được đáp ứng, tất cả kẻ thù và cựu kẻ thù sẽ gõ cửa mọi tòa án Mỹ” đã cho thấy tính phổ biến của vụ kiện này. Đáp lại sự từ chối 3 lần của công lý, Tòa án công luận quốc tế đã diễn ra ở Paris. Nếu như phán quyết của phiên tòa không có hiệu quả, các kết luận của phiên tòa quốc tế này cũng mang lại công lý cho các nạn nhân bằng cách thừa nhận họ.

Trong cuốn Chất độc da cam - Thảm họa Việt Nam của mình, tôi đã trình bày nhiều thử nghiệm khoa học mà quân đội Mỹ tiến hành khắp nơi trên thế giới, cũng như sự hợp tác giữa các công ty dân sự với Bộ Quốc phòng (hoặc Bộ Nông nghiệp) để đưa vào sử dụng các “chất diệt cỏ” mà họ không dám gọi đúng tên “vũ khí hóa học” chỉ vì một thực tế đơn giản, hiển nhiên là quân đội Mỹ đã sáng chế, sản xuất, mua và sử dụng chúng trong các cuộc xung đột.

Chúng ta cùng nhớ lại trong thời chiến tranh ở Việt Nam, các giáo sư Lê Cao Đài và Tôn Thất Tùng đã nhận thấy trong những năm 1960, sự bùng nổ các căn bệnh đặc thù tại những vùng đã tiếp xúc với các tác nhân hóa học, nơi có những người đã chiến đấu và hậu quả là nhiều phụ nữ bị chấm dứt thai kỳ, trẻ em sinh ra bị dị tật. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng nhận thấy trong cùng thời gian, tần số trẻ sơ sinh dị tật tăng cao so với dân số…

Thật khủng khiếp khi vẫn còn hàng trăm ngàn đàn ông, phụ nữ chết vì một hay nhiều bệnh ung thư liên quan tới dioxin ở Việt Nam. Và điều này đòi hỏi phải được sửa sai. Đã 10 năm kể từ khi Học viện Khoa học quốc gia Washington thừa nhận mối liên hệ giữa dioxin có trong chất độc da cam với một danh sách dài các bệnh tật và mở rộng cứ mỗi 2 năm có một báo cáo mới. Đến năm 2010, thêm 3 bệnh mới đã được bổ sung vào danh sách này. Nhưng những bằng chứng về mối liên quan giữa dioxin - bệnh tật mà Mỹ lập ra chỉ dành cho các cựu binh Mỹ, không áp dụng đối với người Việt Nam. Đúng là “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Khi vượt ra ngoài hình thái của giống loài thì thật khủng khiếp. Đó là quy luật. Khủng khiếp bởi nhìn quá khác biệt. Vẻ bề ngoài có thể phản cảm, thậm chí ghê sợ nhưng chúng ta vẫn không thể quên đó là con người và hơn ai hết, họ cần sự giúp đỡ từ đồng loại. Chúng ta không nên quá tập trung vào vẻ bề ngoài khác biệt mà hãy nhìn ra những điểm tương đồng giữa chúng ta với họ: Cùng là con người. Sự quái dị, nhất là khi nó bắt nguồn từ gen khiến chúng ta kinh hãi là bởi nó phi tự nhiên. Trên quan điểm hợp lý, nó nhắc chúng ta nhớ tới sự mong manh trong các điều kiện sống.

Với những gì xảy ra ở Việt Nam, xét theo mức độ khuyết tật, cạnh tranh để tồn tại vô cùng khắc nghiệt, đặc biệt ở đô thị. Thông tin và giáo dục là phương thuốc tốt nhất để thay đổi nhận thức đối với những trường hợp bất hạnh. Về điểm này, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, Việt Nam thực sự đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong việc giải thích tác động và hậu quả của chất độc da cam. Các nạn nhân được cảm thông hơn, không còn bị xa lánh.

Chúng ta cần nhớ rằng sau nửa thế kỷ, chất độc da cam vẫn luôn tồn tại, hiện hữu và sống động. Người Mỹ đã không thừa nhận Tòa án quốc tế và họ vẫn chưa sẵn sàng làm việc đó vì họ có khả năng bị xét xử, giữa các tội khác, tội ác chất độc da cam. Sau 3 lần bị bác đơn trên đất Mỹ, không phải không thể mở ra một vụ kiện ở châu Âu hoặc Việt Nam, ngay cả khi rất ít hy vọng thành công.

Cục diện thế giới đã thay đổi nhiều, trong đó có sức ảnh hưởng của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng như tại tất cả những nơi bị nhiễm độc đều có thể “tận dụng” sự thay đổi này. Điều này cho chúng ta thấy văn hóa của tình đoàn kết cho dù có mong manh vẫn mang một giá trị chắc chắn.

Nếu như năm 2011 được Liên hiệp quốc tuyên bố là Năm Hóa học quốc tế nhằm mục đích ngợi ca những thành tựu của hóa học và những đóng góp của nó cho nhân loại thì ngày 10-8-2011, Ngày của các nạn nhân chất độc da cam, lại như một đối trọng mà truyền thông các nước phương Tây không mấy chú ý. Tuy nhiên, đây cũng là dịp đánh động dư luận quốc tế để một ngày công lý được thực thi.
 

André Bouny

LÊ VÂN
(dịch)

- Thông tin liên quan:

>> Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ 2: Hành động vì công lý và nhân đạo

>> Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ James G.Zumwalt: Các công ty hóa chất Mỹ phải hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

>> Cầu truyền hình “Chất độc da cam/dioxin - Tội ác và công lý” - Nỗi đau phận người

>> Chung tay làm vơi đi nỗi đau da cam

>> Cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ

Tin cùng chuyên mục