Tội ác và trừng phạt

Xin mượn tựa đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga để nói về bản án trừng phạt nghiêm khắc dành cho băng cướp chặt tay, cướp xe SH của một cô gái trên cầu Phú Mỹ ở TPHCM. Một bản án tương xứng với tội danh những kẻ mất hết nhân tính, không còn khả năng giáo dục như Hồ Duy Trúc, mới 20 tuổi đã cầm đầu băng cướp hung hãn và cực kỳ nguy hiểm. Một bản án thể hiện tính răn đe rất cao và được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.

Phiên tòa khép lại, song lại mở ra bao điều suy ngẫm, trăn trở và trách nhiệm xã hội về sự băng hoại đạo đức ngày càng phổ biến trong bộ phận giới trẻ hiện nay, về sự suy giảm nghiêm trọng những giá trị chuẩn mực đạo đức, nhân văn trong xã hội, mà trước hết từ phía gia đình - tế bào của xã hội.

Như một điều tất yếu, những kẻ có hành vi dã man tham gia vụ cướp này đều không có nghề nghiệp ổn định, thích sống buông thả, lại nghiện ngập ma túy và luôn khát tiền để thỏa mãn thói ăn chơi ngông cuồng và cơn nghiền ma túy. Những kẻ hư hỏng này tập hợp thành lập băng cướp có tổ chức, có kẻ cầm đầu, có sự bàn bạc kỹ lưỡng và chuẩn bị hung khí từ trước.

Nguy hiểm ở chỗ, những kẻ sát nhân máu lạnh không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng, làm chấn động dư luận mà còn ảnh hưởng đến sự yên bình của xã hội, tạo sự bất ổn trật tự trị an, xâm phạm trật tự công cộng, đe dọa tính mạng nhiều người khác. Xét ở cả góc độ pháp luật và đạo lý thì tội phạm phải bị trừng phạt thích đáng, đúng với tính chất và mức độ vi phạm cho dù chúng đang ở tuổi đời rất trẻ, mới tròn đôi mươi.

Sự nghiêm minh của pháp luật đã gỡ bỏ bức xúc của dư luận về vụ án này, nhưng cũng đồng thời tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về những hành động dã man, liều lĩnh của đám côn đồ dường như chẳng còn giới hạn nào mang tính người nữa.

Đắm chìm trong ăn chơi sa đọa, suy nghĩ nông cạn và thoát khỏi sự giáo dục, kiểm soát của gia đình, nhà trường, xã hội đã biến những thanh niên còn rất trẻ trở thành những sát thủ máu lạnh. Hồ Duy Trúc và những kẻ phạm tội khác đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật, nhưng nỗi kinh hoàng vẫn chưa hết nguôi ngoai trong tâm trí mọi người.

Cả gia đình, nhà trường và xã hội đều có trách nhiệm về việc này. Nhưng nguyên nhân trước hết và chủ yếu bắt nguồn từ phía gia đình, bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên, trực tiếp và ảnh hưởng sâu sắc, quyết định tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ nhỏ.

Quản lý và giáo dục của gia đình là một quá trình liên tục và lâu dài, từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Gia đình nào tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nền nếp kỷ cương thì dù điều kiện kinh tế có khó khăn mấy vẫn có cuộc sống hạnh phúc, con cái có lối sống trong sáng, lành mạnh. Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Ngược lại, khi cha mẹ không gương mẫu, không có giáo dục từ phía gia đình là vô tình đẩy con cái trượt dài vào con đường phạm tội.

Một quy luật tất yếu trong mắt xích nhân quả, những người bất chấp quy tắc ứng xử, vi phạm pháp luật để làm hại người khác chẳng khác nào đang làm hại chính mình. Đây là hậu quả của việc coi nhẹ giáo dục đạo đức trong khi văn hóa ứng xử truyền thống chưa được coi trọng trong một thời gian dài; khi xã hội chưa tạo ra được một nền tảng đạo đức vững vàng, thiếu cân bằng với sự phát triển kinh tế đã dẫn đến một đời sống hưởng thụ, ích kỷ, lệch lạc.

Đằng sau bản án nghiêm khắc của pháp luật là ẩn chứa biết bao nỗi xót xa, cay đắng và cả sự đau lòng trong mỗi người về sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng trong xã hội. Một xã hội chỉ trở nên tốt đẹp khi có nhiều người tốt, làm việc tốt. Một cộng đồng chỉ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp khi mỗi người có sự thay đổi tích cực từ bản thân. Đạo đức là nền tảng, là xương sống của xã hội. Một xã hội tốt là ở nơi đó tồn tại những yếu tố văn hóa và đạo đức được đề cao và tôn trọng…

Kẻ gây tội ác đã bị trừng phạt. Nhưng rồi đây, đến bao giờ người dân mới thôi lo âu, nhức nhối về những tội ác không ghê tay mà hung thủ vẫn còn đang ở độ tuổi ăn học như Lê Văn Luyện trước đây và nay là Hồ Duy Trúc?

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục