
1. Nhân buổi họp mặt kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3, những đoàn viên một thời là học sinh dưới mái Trường Mỹ thuật Công nghiệp Sông Bé thân thương, gặp lại nhau, bồi hồi với bao nỗi vui mừng, cùng ôn lại những ngày đầy ắp kỷ niệm gắn bó dưới mái trường cách mạng.
Thời gian đi nhanh quá. Mới hôm nào, họ là những học sinh trẻ trung sôi nổi, giờ đây tóc đã pha sương, vầng trán hằn nếp nhăn năm tháng nhưng cái chất của người đoàn viên TNCS thuở nào vẫn sáng ngời như mới hôm qua, vẫn năng nổ, hoạt bát, tràn đầy sức sống. Ngày xưa, họ là đoàn viên học tập tốt, lao động tốt, xông xáo trên những cánh đồng lầy lội, đắp bờ, trồng lúa, cuốc đất trồng khoai. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo mà trên môi vẫn nở nụ cười tươi vui. Nụ cười của những thanh niên biết sống vì mọi người, không lùi bước trước những khó khăn. Từ ý thức gương mẫu của người đoàn viên, đã xây dựng nên lối sống tốt đẹp, trở thành con người mới, biết chọn con đường đúng đắn xây dựng tương lai.

Minh họa: Họa sĩ Trịnh Hữu Hòa
Mọi người cùng kể lại những chuyện ngày xưa mà ai cũng biết, nhưng ai cũng thích nghe lại. Người kể cũng thích vì mình được kể. Đó là câu chuyện của những ngày đầu sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Để giải quyết lương thực quá thiếu thốn, đảm bảo việc dạy và học của thầy trò, Ban Giám hiệu Trường Mỹ thuật Công nghiệp Sông Bé đã phát động phong trào lao động sản xuất: đắp đất be bờ làm ruộng, cuốc đất trồng khoai. Ai chưa biết việc đồng áng thì có bà con nông dân tại địa phương hướng dẫn, giúp đỡ. Nhưng vấn đề trở ngại lớn nhất là đường đi quá xa, phải đi bộ gần 20km mới đến nơi làm ruộng, làm rẫy. Ai cũng ngán ngẩm với đoạn đường quá nhiêu khê. Chính các đoàn viên là lực lượng tiên phong đi đầu. Nào là Tô Mai Lĩnh, Trần Long, Phan Thị Phượng, Lê Xuân Cường, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Ngô Đa Lộc… Tất cả hăng hái cùng nhau đi bộ.
Là những thanh niên sinh ra và lớn lên tại TP, chưa hề biết cảnh chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vậy mà tất cả đã nhanh chóng trở thành những nông dân thực sự, chỉ có khác là vừa làm ruộng, vừa cất vang tiếng hát giữa đồng lúa mênh mông. Gieo cấy xong, mọi người trở về trường học tiếp, đến khi lúa chín thì lên cắt lúa. Cũng từ môi trường lao động nhọc nhằn mà đầy vẻ vang đó, đã xuất hiện những nhân tố mới có đầy đủ phẩm chất của người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Đoàn TNCS có thêm những đoàn viên mới, những người vinh dự được cài huy hiệu Đoàn lên ngực áo trong buổi lễ kết nạp Đoàn.
2. Trước kia họ là những đoàn viên ưu tú, được trui rèn trong học tập và lao động. Ngày nay, những đoàn viên ưu tú đó trở thành những đảng viên gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trần Long không thể nào quên kỷ niệm trong đời, anh bộc bạch: “Đó là ngày tôi được cài huy hiệu Đoàn lên ngực áo, rồi được cử làm Đội trưởng Đội Cờ đỏ, có nhiệm vụ nhắc nhở học sinh toàn trường chuyên cần học tập, chấp hành tốt nội quy nhà trường. Để nói được các bạn nghe theo, trước tiên tôi phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, nhất là phải học thật giỏi”. Ý thức của người đoàn viên đã tôi luyện Trần Long như thế. Nhờ vậy mà anh luôn là học sinh giỏi của trường, được học bổng đi học nước ngoài và trở về nước với tấm bằng tiến sĩ.
Lê Xuân Cường thì tâm đắc về chuyện lúc còn đi học thường xuyên lội bộ gần 20km để lao động, có hề gì đâu. Nhưng điều mà mọi người muốn biết là hiện nay với trách nhiệm giám đốc điều hành kỹ thuật Công ty giày An Lạc, anh đã đóng góp như thế nào trong xây dựng và phát triển công ty thì Cường không hé môi. Chỉ qua các đồng nghiệp của Cường, mọi người mới biết. Để đạt được sự tin dùng của khách hàng như hiện nay, giám đốc Lê Xuân Cường cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty đã có những sáng kiến áp dụng công nghệ sản xuất đa dạng về mẫu mã, từ vật tư như mũ, vải, da, PU… cùng với các phụ kiện chất lượng cao, góp phần đưa Công ty giày An Lạc trở thành một trong những thương hiệu lớn ở Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Mexico...
Với nhiệm vụ giám đốc Công ty TNHH Rạng Đông, Ngô Đa Lộc đã thiết kế nhiều mẫu mã mới, bắt mắt, độc đáo, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Từ một tổ hợp với vài chục công nhân, nay trở thành một công ty tầm cỡ. Ngô Đa Lộc nói đó là nhờ ý chí phấn đấu của một người đoàn viên lúc nào cũng chảy trong huyết quản, luôn tìm tòi để tiến lên phía trước. Còn cô đoàn viên xinh xắn Phan Thị Phượng năm nào, giờ đây là giám đốc một công ty lữ hành. Phượng cho rằng, càng đi đây đi đó trên mọi miền đất nước mới thấy Tổ quốc mình giàu đẹp vô cùng. Biết mấy tự hào khi giới thiệu đất nước mình với bạn bè thế giới. Riêng nhà doanh nghiệp trẻ Tô Mai Lĩnh, có thể nói là người thành đạt rất sớm. Vừa mới ra trường, anh đã mở Công ty quảng cáo Sáng Tạo trên nền tảng “hai bàn tay trắng”. Cũng bằng tinh thần của người đoàn viên đã trui rèn cho Tô Mai Lĩnh ý chí nhẫn nại, bền bỉ trên con đường lập nghiệp. Vượt qua những ngày tháng khó khăn, nay Tô Mai Lĩnh là giám đốc một công ty in và còn là giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tới phiên Nguyễn Ngọc Nghĩa kể về sự nghiệp của mình. Bây giờ cũng là giám đốc một công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu như ai. Nghĩa tâm sự cũng nhờ mình là một đoàn viên, từ cái ngày đầu tiên được cài huy hiệu Đoàn lên ngực áo, bước ngoặt trong cuộc đời đã sang trang. Trong tâm tư tình cảm, trong lối sống đã hình thành một nhân cách của người đoàn viên TNCS nên trong thương trường nó cũng ảnh hưởng rất lớn. Đó là việc làm ăn uy tín, nói đi đôi với làm, chất lượng sản phẩm là bản chất, thể hiện tinh thần tốt đẹp của một đoàn viên.
Năm tháng dẫu có qua đi, nhưng cái chất của người đoàn viên TNCS vẫn còn ở lại trong mọi suy nghĩ, mọi hành động. Vì đó chính là nhân cách không thể nào nhạt phai của người đoàn viên, khi được cài huy hiệu Đoàn lên ngực áo...
NGUYỄN TƯỜNG LỘC