Tôi đã trở về trên núi cao: Hành trình trở về của Đỗ Bích Thúy

Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa ra mắt tập tản văn Tôi đã trở về trên núi cao - cuốn sách đánh dấu chặng hành trình sau 20 năm dịch chuyển từ miền núi về đô thị của chị. Cuốn sách có thể xem như dịp nhìn lại quãng đường chị đi cùng văn chương…

Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, nhà văn Đỗ Bích Thúy là một trong những tác giả được biết đến với hàng loạt tác phẩm viết về miền núi phía Bắc, nhất là về vùng dân tộc Mông. Những tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Bích Thúy có thể kể đến: tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu (được chị cùng lúc viết thành kịch bản phim truyền hình dài 32 tập, đã phát trên VTV3); tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là; các tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Đàn bà đẹp, Sau những mùa trăng... 

Với Tôi đã trở về trên núi cao vừa ra mắt, người đọc lại có dịp bắt gặp một Đỗ Bích Thúy giàu cảm xúc. “Những câu chuyện như tự truyện, từ hồi ức và kỷ niệm. Xung quanh đất và người hiện ra rất rõ một Đỗ Bích Thúy dạt dào cảm xúc, yêu thương đắm đuối kỳ lạ và đằm thắm ở từng đoạn văn giàu chiêm nghiệm”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.

Dày hơn 250 trang, cuốn sách vừa là một chuyến đi rất thật nhưng cũng có đôi khi chỉ là những chuyến đi trong tâm hồn của chị. Nhận xét về cuốn tản văn mới của Đỗ Bích Thúy, nhà thơ Quang Hưng cho rằng, đó như một phim tài liệu kiệm lời, rất kiệm lời, hoặc không lời, chỉ hình ảnh, cụ thể, sinh động, xem đến đâu thì lại thấm và nhớ, cảm thấy nhoi nhói. 

Đọc tản văn này, độc giả có thể hình dung ra những đoạn đời của tác giả. Nhiều trang viết mang tới cái buồn thật sâu, thật trong, như ở: Nước mắt rơi trên bậu cửa, Cây cỏ vui buồn, Chờ bình yên quay về, Chết là một cuộc rong chơi, Đẹp tới lụi tàn… Lại có những trang viết lãng đãng như ngược thời gian trở về với miền núi cao thân thuộc, nơi chị đã sinh ra và gắn bó trọn vẹn thời thơ ấu.

Người đọc cũng thấy một Đỗ Bích Thúy già dặn và đầy tư lự: “Từng có lúc, tôi ước mình có thể đào một cái hố. Một cái hố thật sâu, thật tối, đất mịn màng, lạnh lẽo và tôi nằm dưới đó. Tôi không nghĩ đến cái chết dễ dàng đến thế. Mà tôi cần một cái hố để nằm yên, nhắm mắt, nghe lao xao tiếng những cơn gió tước vài chiếc lá; nghe cuộc đời với muôn triệu số phận đang trôi đi như mây…”.

Chia sẻ về đứa con tinh thần này, Đỗ Bích Thúy nói, cuốn sách như một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của chị. Nó cho chị được một lần ngoái lại phía sau, một cách bình thản. Nó cũng thể hiện khát vọng “trở về” với núi rừng, nơi chị sinh ra và lớn lên, một cách mãnh liệt.

Tin cùng chuyên mục